Hơn một năm qua, nhiều tuyến phố của Hà Nội đã thí điểm lắp đặt rào chắn, nhằm ngăn chặn các loại phương tiện tràn lên vỉa hè, lấn chiếm phần đường của người đi bộ.
Kết quả cho thấy, đây là một biện pháp rất hữu hiệu nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét thấu đáo, có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Hệ lụy từ giao thông rối rắm
Trong khi hạ tầng còn eo hẹp, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn giữ thói quen sử dụng xe cá nhân để đi lại khiến áp lực giao thông ngày càng gia tăng ở Hà Nội. Mỗi khi gặp cảnh ùn tắc, thay vì giữ trật tự, xếp hàng lối để di chuyển, nhiều xe máy, thậm chí cả ô tô lại chọn cách lao lên vỉa hè, tranh giành phần đường với người đi bộ để vượt thoát. Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn nhất gây nên UTGT chính là ý thức của người tham gia giao thông. Hành vi đi xe máy, ô tô lên vỉa hè đang kéo theo rất nhiều hệ lụy, phiền phức cho chính người dân.
TS Đặng Minh Tân (Đại học Giao thông vận tải) nhận định, người đi xe máy lao lên vỉa hè sẽ khiến không gian lưu thông của người đi bộ bị thu hẹp và trở nên nguy hiểm hơn. Điều này kéo theo tâm lý e ngại, khiến càng nhiều người, thay vì đi bộ lại chọn xe máy để di chuyển ngay cả với những quãng đường gần. “Có thể thấy một vòng lặp luẩn quẩn là: Ngại đi bộ, dẫn đến dùng xe cá nhân; phương tiện ra đường nhiều thì áp lực tăng, ùn tắc giao thông tăng. Hễ cứ gặp ùn tắc là lại đua nhau lao lên vỉa hè, tìm mọi cách thoát, gây nguy hiểm và bất tiện khiến người dân trở nên ngại đi bộ” – ông Tân lý giải. Ngoài ra, tâm lý ngại, lười đi bộ còn khiến người dân trở nên khó tiếp cận với các loại hình vận tải công cộng, bởi nhiều điểm dừng chờ xe buýt không có chỗ để gửi xe.
Không chỉ khiến giao thông trở nên rối rắm, hành vi đi xe máy lên vỉa hè còn khiến hạ tầng hư hại nghiêm trọng, tiêu tốn tiền của của xã hội vì liên tục phải sửa chữa, bảo trì. Rồi những va chạm xảy ra giữa người đi bộ cũng như các hộ dân sinh sống và buôn bán ven hè đường với người điều khiển xe máy… “Đi xe máy lên vỉa hè vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, vừa kéo theo nhiều hệ lụy cho hạ tầng và giao thông của TP. Hiện tượng này cần được ngăn chặn và giải quyết triệt để càng sớm càng tốt” – TS Đặng Minh Tân khẳng định.
Có nơi lắp barie chưa phù hợp
Chuyên gia giao thông đô thị, Ths Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, lắp đặt barie ngăn cách vỉa hè với lòng đường là một trong những biện pháp khả thi để hạn chế tình trạng nêu trên. “Một số tuyến phố đã áp dụng phương thức này như Văn Miếu, Lê Duẩn… cho thấy kết quả rất khả quan. Không gian đi bộ được bảo vệ tốt, tạo cảm giác an toàn, thoải mái nên đã thu hút được người dân” – ông Hải đánh giá. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng cần phải rà soát, phân loại các tuyến phố nên và không nên lắp barie, lắp thế nào cho phù hợp.
Anh Lê Dũng (phố Tôn Đức Thắng) cho hay, việc lắp barie ngăn cách đã vô tình gây khó cho một số người dân. “Có đoạn lắp barie chắn ngang vỉa hè, chỉ lọt người đi bộ, còn người khuyết tật sử dụng xe lăn thì không qua được. Một số cửa hàng dọc phố cũng gặp khó khăn vì khách không tiếp cận được, không có chỗ gửi xe để vào mua sắm” – anh Dũng bày tỏ. Các chuyên gia còn lưu ý, việc lắp đặt barie ngăn cách giữa lòng đường và vỉa hè là chủ trương đúng, nhưng nếu không có biện pháp căn cơ, thỏa đáng sẽ gây nên những phản ứng trái chiều trong người dân. Chuyên gia giao thông đô thị, Ths Đinh Quốc Thái đặt vấn đề: “Hiện nay, thương mại bám theo vỉa hè vẫn đang phát triển và là sinh kế của bộ phận không nhỏ người dân. Nếu lắp barie trên các tuyến phố buôn bán sầm uất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh của người dân; từ đó làm nảy sinh tâm lý chống đối, thậm chí có thể tự phá dỡ barie mà cơ quan chức năng khó lòng quản lý, kiểm soát hết được”.
Đồng bộ các giải pháp
Ths Đinh Quốc Thái nêu 2 vấn đề cần giải quyết ngay từ đầu nếu muốn nhân rộng mô hình lắp đặt barie ngăn cách giữa lòng đường và vỉa hè. Thứ nhất là chỉ nên lắp đặt ở các tuyến phố thuần túy đi bộ, hoặc không gian văn hóa, có ít hoạt động kinh doanh thương mại như Bờ Hồ, Lê Văn Lương, Tố Hữu… Thứ hai, việc lắp đặt barie phải được tính toán kỹ lưỡng, tại các điểm giao cắt cần chừa ra lối lên xuống cho xe lăn của người khuyết tật, xe đẩy trẻ em…
Đồng quan điểm, Ths Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, không phải tuyến phố nào cũng nên lắp barie ngăn cách vỉa hè, lòng đường. Có tuyến cần phải ứng dụng công nghệ ghi hình để phạt nguội các hành vi đi xe máy lên vỉa hè, lấn chiếm hè đường để kinh doanh và việc xử phạt phải thật nghiêm. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cũng ủng hộ quan điểm này trong một phát biểu mới đây. “Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị, TP cần cho phép sử dụng phương tiện nghiệp vụ (camera ghi hình – PV) để xử phạt hành chính, xử lý vi phạm qua hình ảnh” – ông Viện nhấn mạnh. Bên cạnh việc sử dụng barie ngăn cách, nhiều chuyên gia còn đề cập đến những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng xe máy đi trên vỉa hè, bảo toàn không gian đi bộ. Ths Đinh Quốc Thái đề xuất: “Chẳng hạn chúng ta có thể nâng độ cao bó vỉa hè phố để khiến xe cộ không thể lên được”.
Tuy nhiên, vấn đề trước mắt là cơ quan chức năng vẫn cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông không đi xe máy lên vỉa hè. Ở những khu vực chưa có giải pháp “cứng” thì vận động người dân cùng tham gia bảo quản, giữ gìn vỉa hè. Và quan trọng nhất là TP cần phải tổng rà soát, phân loại các tuyến phố để lựa chọn, nơi nào sẽ lắp đặt barie, nơi nào cần áp dụng hình thức khác để hạn chế các vi phạm về giao thông, trật tự đô thị trên vỉa hè. Không nên áp dụng cứng nhắc một biện pháp cho nhiều tuyến phố.
Một số ý kiến của các chuyên gia:
“Đảm bảo được sự an toàn, văn minh nhưng vẫn tiện lợi và không ảnh hưởng đến đời sống người dân phải là mục tiêu cao nhất của việc lắp đặt barie ngăn cách vỉa hè.” (Ths Đinh Quốc Thái)
“Việc lắp đặt barie trên một số tuyến phố vừa qua có thể mới là thí điểm, nên vẫn còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm để điều chỉnh. Thực tế là không phải tuyến phố nào cũng có thể lắp; hơn nữa theo tôi chỉ nên lắp dọc theo trục đường như hình lan can chứ lắp theo bề ngang vỉa hè thì vô tình lại gây cản trở giao thông”. (TS Thạch Minh Quân)
Theo Theo Kinh tế đô thị