Ngày 29/12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm về các giải pháp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021-2025”.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh Việt Nam nói chung và Thành phố Hà Nội nói riêng tiếp tục chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, song với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, ngay sau khi Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy được ban hành, toàn Thành phố đã chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo, giải quyết tốt các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chương trình được triển khai bài bản, khoa học, đa dạng hình thức phù hợp với tình hình thực tế. Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo; UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và phong trào của đơn vị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai, cụ thể hóa nội dung Chương trình thành chỉ tiêu, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể tại địa phương để thực hiện Chương trình.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao phải dừng hoạt động; các di tích đóng cửa; ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; Nhiều đề án, kế hoạch trong Chương trình còn chậm so với tiến độ đề ra.
Nhằm đánh giá thực trạng việc triển khai thực hiện, cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình ở các sở, ngành, địa phương và cơ sở, tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng thảo luận, nêu rõ thực trạng triển khai, thực hiện Chương trình 06 thời gian qua, những thuận lợi, hạn chế, nguyên nhân; những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo; từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, nhất là nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động văn hoá cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh trong thời gian tới. Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, để “giữ lửa” phong trào, tạo không khí thi đua sôi nổi trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, huyện Thanh Oai triển khai mô hình “làng văn hóa kiểu mẫu” với các tiêu chỉ mang tính đột phá, cao hơn tiêu chí xây dựng làng văn hóa chung từ 10-20%.
Những làng đăng ký xây dựng mô hình được hỗ trợ nhiều mặt để phấn đấu đến đích. Đến giờ, huyện đã xây dựng thành công 4 làng văn hóa kiểu mẫu, là tiền đề để tiếp tục nhân rộng mô hình trong giai đoạn mới. Cũng theo ông Trần Văn Lợi, “Đạt được kết quả như vậy là nhờ vào quyết tâm của chính quyền địa phương đối với nhiệm vụ phát triển văn hóa, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cũng như có cơ chế hỗ trợ kịp thời, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần được duy trì thường xuyên, liên tục đi kèm với nêu gương, khen thưởng…”.
Tại tọa đàm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin quận Ba Đình Lê Thị Khanh cho biết: Quận Ba Đình được xác định là địa bàn trung tâm hành chính – chính trị của Thủ đô và cả nước, với lịch sử lâu đời và truyền thống yêu nước, hiếu học, lao động sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đây là những điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn quận. Nhận thức sâu sắc về vị trí và vai trò của lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Ba Đình lần thứ 26 xác định đây là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm và 02 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020- 2025.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển phong trào văn hóa văn nghệ thể dục, thể thao, quận Ba Đình đã đề ra nhiều giải pháp như: Tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng, cải tạo các thiết chế văn hóa, thể thao; Xây dựng và phát triển phong trào văn hóa – văn nghệ và thể dục thể thao quần chúng thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ phong phú nhiều hình thức phong phú, phát triển và nuôi dưỡng các hạt nhân văn nghệ các lứa tuổi trên địa bàn…; Quan tâm phát triển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học, phát triển thể dục thể thao trong công nhân viên chức, lực lượng vũ trang; Đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa thể dục thể thao.
Cũng tại tọa đàm, đại diện nhiều sở, ngành, quận, huyện, thị xã cũng đề xuất các giải pháp tập trung, gồm: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; chú trọng hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở; xây dựng, phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể thao học đường; tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa; đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, du lịch di sản; xây dựng các sản phẩm quảng bá văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long – Hà Nội; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo; UBND các quận, huyện, thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình gắn với nhiệm vụ chuyên môn và phong trào của đơn vị; tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chương trình một cách bài bản, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế đồng thời đôn đốc cụ thể hóa các nội dung của Chương trình thành các chỉ tiêu, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể tại địa phương. “Năm 2021, chương trình 06 đã được toàn Thành phố triển khai với nhiều đổi mới với việc tập trung hoàn thiện Nghị quyết về công nghiệp văn hoá; rà soát lại toàn bộ các thiết chế văn hoá từ xã, phường thị trấn đến quận, huyện, TP; rà soát và lên danh mục các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích lịch sử kháng chiến cần được tu bổ trong giai đoạn 2021 -2025…” – bà Trần Thị Vân Anh khẳng định.
Tọa đàm là dịp đánh giá thực trạng việc thực hiện Chương trình 06 ở các cấp ngành và cơ sở từ khi ban hành, đồng thời tìm kiếm các giải pháp triển khai có hiệu quả các nội dung, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chương trình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng tổ chức triển lãm về thành tựu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên địa bàn thành phố. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật giúp người xem có cái nhìn toàn diện về cách ứng xử với thiên nhiên, môi trường, giữa con người với con người, góp phần tạo chuyển biến trong suy nghĩ và hành động nhằm thực hiện tốt các quy tắc ứng xử thành phố. Triển lãm kéo dài đến hết tháng 1/2022.
Hoàng Ngân