Sáng 24/6, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình số 03-CTr/TU về “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững giai đoạn 2011 – 2015”. Đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương […]
Sáng 24/6, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình số 03-CTr/TU về “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững giai đoạn 2011 – 2015”. Đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Trưởng BCĐ Chương trình 03 chủ trì Hội nghị.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 03-CTr/TU.
Sau gần 5 năm triển khai thực Chương trình công tác số 03, TP đã đạt được những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực phát triển kinh tế, trong đó, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.600 USD, gấp 1,8 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm dần nông nghiệp. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá hàng tiêu dùng giảm nhanh từ 17,1% năm 2011 xuống còn khoảng 6,3% năm 2015.
Đáng chú ý, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện: Kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất 43,6%; kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 38,9%; kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng 16,5%. TP đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung cho đầu tư phát triển: 5 năm qua đã huy động đầu tư xã hội trên 1.400 nghìn tỷ đồng, đạt gấp gần 2 lần giai đoạn 2006 – 2010. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút hơn 1.500 dự án, với tổng số vốn đăng ký 5,2 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt và vượt dự toán, tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 năm ước đạt 714,5 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 7,1%/năm, đóng góp gần 21% ngân sách cả nước (năm 2010: 18,4%).
Sản xuất công nghiệp là một trong những ngành có tốc độ phát triển cao, ổn định của thành phố. Ảnh: Yến Ngọc.
Bên cạnh đó, việc hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng được quan tâm, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy thế mạnh ở từng địa phương và trong toàn vùng. An sinh xã hội được bảo đảm; các lĩnh vực Văn hóa – Y tế – Giáo dục tiếp tục phát triển mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được củng cố tăng cường. Thủ đô là địa chỉ tin cậy để tổ chức các sự kiện lớn trong khu vực, thế giới và là điểm du lịch ngày càng thu hút trong mắt bạn bè và du khách. Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc vai trò là một trong hai “đầu tầu kinh tế” của đất nước và là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Hà Nội đóng góp hơn 40% GDP vùng Đồng bằng sông Hồng và gần 50% GDP vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân Thủ đô và đặc biệt là Ban Chỉ đạo chương trình công tác số 03; đồng thời biểu dương và chúc mừng các tập thể, cá nhân tiêu biểu đã được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy tại Hội nghị. Chủ tịch khẳng định, kết quả Chương trình 03 đã góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của Thủ đô, từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, theo hướng Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
Về nhiệm vụ trước mắt, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề nghị các ngành, các cấp của TP cần tiếp tục tập trung duy trì tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng từ 10-11% trong 6 tháng cuối năm. Về nhiệm vụ lâu dài, theo Chủ tịch, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng chuyển mạnh từ tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều sâu và chiều rộng. Đẩy nhanh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển các ngành, lĩnh vực trình độ cao, chất lượng cao.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu cần phải nâng cao sức cạnh tranh ở cả 3 cấp, cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực thực thi của bộ máy chính quyền, qua đó cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP. Cùng với đó là thực hiện tốt các giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, mở rộng liên kết kinh tế, đẩy mạnh xã hội hóa. Thực hiện các biện pháp đồng bộ cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Chủ tịch cũng lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, định hướng XHCN, hoàn thiện chức năng giữa chính quyền và DN trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, Nhà nước phải tạo sân chơi bình đẳng qua cơ chế chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng; phải nghiên cứu thị trường, tạo sức cạnh tranh lành mạnh bằng ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành và chú trọng ưu tiên các DN vừa và nhỏ, có chiến lược vươn lên và kế hoạch làm ăn lâu dài.
Tại hội nghị, 20 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 03 đã được Ban Thường vụ Thành ủy tặng Bằng khen.
Anh Quý