Tin tức - Sự kiện

Tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình 06 của Thành ủy giai đoạn 2021- 2025

Sáng 28/3, tại Bảo tàng Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về ‘Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025’ (Chương trình số 06-CTr/TU) tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình.

Dự và chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 06 cùng hàng trăm đại biểu các sở, ngành, quận huyện, thị xã và các xã, phường trên địa bàn Thành phố.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết

Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” là một trong 10 Chương trình công tác lớn của Thành uỷ Hà Nội khoá XVII. Chương trình được ban hành với 18 chỉ tiêu, 51 đề án, kế hoạch; 22 dự án, nhóm dự án tập trung 3 nội hàm Chương trình là: Phát triển văn hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Ngoài ra, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16-11-2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2-2024 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành: 47 Nghị quyết trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, nhằm đưa ra chính sách, các cơ chế đặc thù để thực hiện Chương trình.

 

Các đại biểu tham quan không gian văn hóa trước khi diễn ra Hội nghị tổng kết

Đến nay, 18/18 chỉ tiêu của Chương trình hoàn thành kế hoạch hằng năm, trong đó có 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Chương trình số 06-CTr/TU đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng các nội dung cụ thể như: Xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng với các mô hình: “Thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch”, “Tổ dân phố, thôn không ma túy”; Xây dựng môi trường văn hóa học đường: “Nói không với bạo lực học đường”; “Học sinh Thủ đô ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông”; “Em yêu Hà Nội”, “Nhà giáo Hà Nội thanh lịch, văn minh”, ban hành tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc.

Bên cạnh đó, Chương trình số 06-CTr/TU triển khai thực hiện gắn với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa và Thành phố sáng tạo. Thành phố đã tổ chức 4 lễ hội thiết kế sáng tạo, thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Du lịch Thủ đô đã cơ bản phục hồi kể từ sau đại dịch Covid-19. Ngành Du lịch Thủ đô đã xây dựng những sản phẩm du lịch đem lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho khách, nhất là các hoạt động du lịch đêm. Điển hình như: Tour “Đêm Thiêng liêng” tại di tích Hỏa Lò; tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” của Trung tâm Bảo tồn Thăng Long – Hà Nội, tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học”, tour đêm tại đền Ngọc Sơn…

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh 

Trong lĩnh vực Thể thao, Hà Nội ban hành kế hoạch đào tạo huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao, trọng điểm các môn Olympic và ASIAD. Sự nghiệp thể dục thể thao cho mọi người được quan tâm đẩy mạnh; hoàn thành mục tiêu đề ra với tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5%, tỷ lệ số hộ gia đình tham gia đạt 32,5% trở lên.

Về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định là khâu đột phá, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Thành phố chỉ đạo, triển khai xây dựng nhiều mô hình mới, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; xây dựng trường tiên tiến, hiện đại nhiều cấp học; phát triển hệ thống trường chất lượng cao, trường học thông minh, phát triển hệ thống trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội… Đến năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,81%, xếp thứ 11 toàn quốc (tăng 13 bậc so với năm 2021).

Hoạt động trưng bày sách, tư liệu tuyên truyền thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy

Một trong những nhiệm vụ Thành ủy đặc biệt quan tâm là việc xây dựng người Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đây được xem là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) của Đảng bộ thành phố đề ra. Theo đó, thành phố tiếp tục đổi mới, phát huy hiệu quả việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh gắn với giáo dục giá trị sống cho học sinh trong các trường phổ thông. Chất lượng mô hình văn hóa và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học được nâng cao thông qua Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” và Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc”.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình cũng thẳng thắn nhận diện những khó khăn, hạn chế cần phải sớm khắc phục. Một số nơi tổ chức thực hiện các nội dung hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức; sự phối hợp của một số cơ quan, địa phương có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, hiệu quả; chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chưa được bổ sung, hoàn thiện kịp thời…

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe tham luận của các đơn vị về: Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Đan Phượng; Tây Hồ nỗ lực thực hiện hóa khát vọng định vị thương hiệu trên bản đồ văn hóa Thủ đô; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với phát triển nguồn nhân lực trong các trường học; Xây dựng môi trường văn hóa- Khơi dậy tiềm năng phát triển- Hoàn thiện hình mẫu thanh niên Thủ đô.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh Chương trình 06-CTr/TU là chương trình kế tiếp của nhiều chương trình trước đó về văn hóa, con người, nguồn nhân lực. Đặc biệt, đây là 1 trong số ít chương trình có đẩy đủ nhất các cơ chế, chính sách, quan điểm chỉ đạo về mặt chính trị, pháp lý và nguồn lực.

Chương trình 06 giai đoạn 2021-2025 thực hiện trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch Covid-19, song Hà Nội đã triển khai hiệu quả Chương trình, đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Từ thành phố đến cơ sở đều có nhận thức sâu sắc, toàn diện; có được sản phẩm cụ thể, khẳng định được uy tín, thương hiệu, vị thế của Hà Nội, nhất là về năng lực tổ chức các sự kiện lớn, có quy mô quốc tế. Các sản phẩm văn hóa đã đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa – xã hội cũng như định hướng phát triển trong tương lai gần và dài hạn, góp phần khơi nguồn sáng tạo trong xã hội, các tầng lớp Nhân dân, nhất là đội ngũ văn nghệ sỹ, các làng nghề và đặc biệt trong giới trẻ. Nổi bật, những tư tưởng, định hướng lớn về con người Hà Nội đã được cụ thể hóa vào tư tưởng, quan điểm, triết lý quy hoạch Thủ đô.

Tầm nhìn của thành phố về phát triển văn hóa, phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dài hơi hơn và đã cập nhật tiến bộ nhất của văn minh nhân loại… Từ đó, khơi gợi, phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Ngoài ra, đã bước đầu ứng dụng CNTT trong số hóa, ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, văn hóa, đặc biệt là số hóa các di tích, di sản văn hóa phi vật thể… Chưa bao giờ Thành phố có những điều kiện thuận lợi như hiện nay, nhưng cũng đang ở thời khắc đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng về về chuyển đổi số, sắp xếp các đơn vị hành chính, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, phải xác định văn hóa là yếu tố quan trọng trong xây dựng, sắp xếp đơn vị hành chính mới, phải cụ thể hóa những vấn đề văn hóa, giáo dục, du lịch vào các quy hoạch, mục tiêu phát triển của Thành phố.

Thời gian giới, Hà Nội cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, thúc đẩy hội nhập quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương trong nước và quốc tế để làm phong phú, khơi nguồn, cập nhập. Phát triển vốn quý văn hóa của Thủ đô – để văn hóa thành một nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến- Văn minh – Hiện đại, người dân hạnh phúc và thành phố kết nối toàn cầu, một điểm đến của quốc tế.



Trong dịp này, Thành ủy đã biểu dương khen thưởng, tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho 10 tập thể, 10 cá nhân; UBND thành phố tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy.

Thanh Mai

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *