Văn hóa cơ sở

Tổ chức Hội thi tuyên truyền lưu động “Biển và Hải đảo Việt Nam”

Hội thi do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức, dự kiến diễn ra tại Hải Phòng vào tháng 5/2023.

Hội thi nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của biển và đại dương trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội; khẳng định chủ quyền thiêng liêng quốc gia về biên giới và biển đảo Việt Nam; Tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ, tạo điều kiện phát triển văn hóa, là tiền đề định hướng sự hình thành, phát triển hoàn thiện văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Đồng thời, Hội thi tuyên truyền lưu động “Biển và Hải đảo Việt Nam” cũng nhằm quảng bá và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các tỉnh, thành phố, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Tranh cổ động tuyên truyền về chủ đề Biển, đảo Việt Nam

Hội thi tuyên truyền lưu động “Biển và Hải đảo Việt Nam” dự kiến diễn ra tại Hải Phòng từ ngày 18/5 – 21/5/2023 với sự tham gia của các Đội Tuyên truyền lưu động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nội dung của Hội thi: Ca ngợi Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ Biển và Hải đảo của Tổ quốc; Ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người của Nhân dân Việt Nam; Thể hiện cuộc sống lao động thường ngày của đồng bào các dân tộc dựng xây quê hương, đất nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế biển, hải đảo, sử dụng hiệu quả, hợp lý các vùng biển, ven biển và hải đảo phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế; Tôn vinh, quảng bá, giới thiệu những nét tiêu biểu, giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của từng địa phương; Giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam nói chung và các vùng ven biển, biển và hải đảo của Việt Nam.

Hội thi sẽ có 3 hình thức thi, gồm: Diễu hành xe tuyên truyền, Văn nghệ cổ độngTriển lãm.

Hình thức Diễu hành xe tuyên truyền: Xe tuyên truyền của các đoàn được trang trí cờ, hoa, pano, áp phích, khẩu hiệu với chiều cao không quá 3,5m; độ dài của xe không quá 5,5m; chiều ngang tính từ thân xe không quá 20 cm… diễu hành theo lộ trình, sơ đồ của Ban Tổ chức Hội thi.

Với hình thức Văn nghệ cổ động, mỗi đơn vị có thể dự thi một chương trình nghệ thuật ca – múa – nhạc tổng hợp với thời lượng tối đa 35 phút. Các tiết mục đã đạt Huy chương Vàng, giải Nhất, giải A tại các cuộc thi, liên hoan, hội diễn cấp khu vực và toàn quốc do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức không tham dự Hội thi lần này. Nếu ca khúc tham gia Hội thi được sáng tác bằng tiếng dân tộc hoặc tiếng nước ngoài thì phải có ít nhất một lần diễn viên, tuyên truyền viên phải thể hiện ngôn ngữ tiếng Việt. Các bài thi sử dụng âm nhạc nước ngoài phải đảm bảo tính hợp pháp và phù hợp với thị hiếu âm nhạc Việt Nam.

Hình thức Triển lãm sẽ kết hợp giữa hình thức cổ động trực quan với tuyên truyền miệng, gồm các tư liệu, hình ảnh, hiện vật tập trung phản ánh gắn với các sự kiện, cuộc sống, lao động thường ngày của nhân dân địa phương; vùng ven biển, biển và hải đảo.

Các đơn vị đăng ký tham gia Hội thi gửi về Cục Văn hóa cơ sở (qua phỏng Quản lý nghiệp vụ) trước ngày 10/3/2023 theo địa chỉ: Phòng Quản lý nghiệp vụ – Cục Văn hóa cơ sở, 51 Ngô Quyền – Hoàn Kiếm – Hà Nội. Điện thoại: (024) 39432656; 0978.735.781.Email: quanlynghiepvuvhcs@gmail.com.

H.A

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *