Lễ hội

Tổ chức lễ hội năm 2014 đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả

​Ngày 12/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị trực tuyến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2013; đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2014.

​Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nêu rõ hàng năm, ở Việt Nam có gần 8.000 lễ hội được tổ chức tại các địa phương.

HoptochucLehoi1.jpg

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Những năm gần đây, hoạt động lễ hội đã được tổ chức ngày một nền nếp; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đông đảo quần chúng nhân dân.
Thông qua lễ hội, người dân hiểu biết thêm về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, từ đó nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa của đất nước, kết nối cộng đồng; làm bền chặt tình làng, nghĩa xóm và đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tổ chức và quản lý ở một số lễ hội còn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định, gây dư luận không tốt trong xã hội.
Để hoạt động lễ hội năm 2014, đặc biệt là dịp lễ hội xuân trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ thực sự là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng; đồng thời, tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc, khắc phục những yếu kém còn tồn tại, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
Sở phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương xây dựng phương án tổ chức lễ hội năm 2014 đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Các địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Các địa phương thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường tuyên tuyền bằng nhiều hình thức về giá trị lịch sử văn hóa của di tích, ý nghĩa của lễ hội; bổ sung các bảng, biển hướng dẫn du khách chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh để nâng cao ý thức của người khi tham gia lễ hội.
Các ngành chức năng cần sắp xếp hợp lý hàng quán dịch vụ, bãi trông giữ phương tiện; không cho bán hàng hóa, dịch vụ trong khu vực bảo vệ của di tích; hạn chế tối đa hàng quán kinh doanh vàng mã, đổi tiền lẻ, bán thực phẩm tươi sống…
Tại hai đầu cầu Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cũng cho rằng công tác quản lý lễ hội cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp của các ban, ngành; hoàn thiện và nêu cao trách nhiệm của từng Ban Tổ chức trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội từ Trung ương đến cơ sở.
Lễ hội toàn quốc cần được quy hoạch để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Các địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là những người trực tiếp phục vụ tại di tích, lễ hội…/.
Nguồn: TTXVN​

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *