Văn hóa cơ sở

Tổ chức lễ hội trên địa bàn quận Hà Đông chuyển biến tích cực

Xuân Ất Tỵ 2025, trên địa bàn quận Hà Đông sẽ diễn ra 48 lễ hội, trong đó có 19 lễ hội đại đám, như: Lễ hội đình Thượng Mạo, phường Phú Lương (3-4 tháng Giêng); lễ hội đình Huyền Kỳ, phường Phú Lãm (7-8 tháng Giêng); lễ hội đình làng La Cả, phường Dương Nội (7-10 tháng Giêng); lễ hội đình Yên Lộ, phường Yên Nghĩa (7-10 tháng Giêng); lễ hội đình Vạn Phúc, phường Vạn Phúc (11-13 tháng Giêng); lễ hội truyền thống La Khê, phường La Khê (14-16 tháng Giêng)…

Lễ hội được tổ chức là dịp để tưởng nhớ, tôn vinh các bậc hiền tài đã có công dựng nước và giữ nước, những người có nhiều đóng góp cho cộng đồng, dân tộc, được suy tôn… Đồng thời lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Lễ hội đình Thượng mạo, phường Phú Lương diễn ra trang trọng, vui tươi. Ảnh: Quý Lâm

Để thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025, ngay từ cuối năm 2024, UBND quận Hà Đông đã ban hành kế hoạch triển khai, trong đó yêu cầu các phường quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản của trung ương, thành phố, quận về công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội đến các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân. 100% các di tích và các lễ hội được tổ chức trong năm 2025 đảm bảo tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, tiết kiệm.

Các phường có lễ hội đều ban hành Nghị quyết của Đảng ủy, trong đó có nội dung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân. UBND các phường ban hành kế hoạch về quản lý và tổ chức lễ hội; kiện toàn Ban Quản lý di tích, thành lập Ban Tổ chức lễ hội; chủ động xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, phòng chống cháy nổ…

Sau Tết Nguyên đán, quận Hà Đông thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương. Qua kiểm tra các lễ hội đã diễn ra cho thấy công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn quận có nhiều chuyển biến tích cực. Các lễ hội diễn ra trang trọng, bảo đảm hoạt động tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của một bộ phận lớn quần chúng Nhân dân, phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời hạn chế các hoạt động tín ngưỡng lạc hậu, thiếu tính nhân văn, để các lễ hội diễn ra thực sự vui tươi, ý nghĩa, thu hút đông đảo khách thập phương về vui hội./.

Thảo Nhi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *