Di sản

Tổ chức mạn đàm ‘Đề thi trong khoa cử Việt Nam trung đại’

Tiếp nối thành công của Mạn đàm 1, Mạn đàm 2 của Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám được tổ chức với chủ đề “Đề thi trong khoa cử Việt Nam trung đại: Nét bút sắc sảo phản ánh lịch sử đương thời” sẽ được tổ chức vào 26/12.

Thời phong kiến, chữ Hán và đạo Khổng đóng vai trò quan trọng trong nền giáo dục Việt Nam. Không chỉ đưa vào giảng dạy tại các trường học, đạo Khổng còn được sử dụng để làm nền tảng cho các kỳ thi tuyển chọn nhân tài. Nhờ vậy, nước ta đã tìm kiếm được không ít hiền tài “là nguyên khí quốc gia”, góp phần lớn vào sự nghiệp dựng xây đất nước.

Tuy thế, đến cuối triều Nguyễn, đứng trước sự ảnh hưởng mạnh mẽ của phương Tây cả về chính trị và văn hoá, những đòi hỏi ở tầng lớp trí thức sẽ dấn thân chốn quan trường cũng phải thay đổi để phù hợp với sự xoay chuyển của thời thế. Điều này thể hiện rõ rệt ngay trong các đề thi tuyển tiến sĩ. Có thể nói, các đề thi xưa, ngoài mục đích tuyển chọn nhân tài phụng sự đất nước, còn là nguồn tư liệu lịch sử quý giá, phản ánh một phần lịch sử đương thời.

Với chủ đề “Đề thi trong khoa cử Việt Nam trung đại: Nét bút sắc sảo phản ánh lịch sử đương thời”, Mạn đàm 2 của Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám được tổ chức sẽ đưa người xem ngược dòng lịch sử để đến với những chủ đề thú vị như: Vị trí của khoa cử trong việc phản ánh biến chuyển lịch sử và sự phát triển văn hoá dân tộc; Sự thay đổi về đề thi thời Tự Đức đưa đến nhận thức mới nào về khoa cử và lịch sử đất nước cuối triều Nguyễn; Vai trò của những đề thi xưa trong việc nghiên cứu văn hoá Việt Nam nói riêng và Văn hoá Đông Á nói chung.

Mạn đàm lần này sẽ được dẫn dắt bởi học giả Nguyễn Thuỵ Đan, diễn giả Hoàng Đoan Trang, và khách mời Giáo sư Wynn Gadkar-Wilcox. Mạn đàm 2 sẽ diễn ra vào 09h30 ngày 26/12/2021 bằng hình thức trực tuyến qua Fanpage Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám và kênh Youtube Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám.

VM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *