Buổi Tọa đàm “Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển” là cơ hội để cộng đồng xã hội lắng nghe tiếng nói từ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kiến trúc sư, nhà quản lý di sản để tìm ra giải pháp cho những vấn đề về di tích Cổ Loa.
“Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển” là nội dung buổi tọa đàm được tạp chí Tia sáng tổ chức vừa qua. Tham dự buổi tọa đàm có các nhà khoa học, nhà sử học, kiến trúc sư….
Buổi tọa đàm còn được nghe nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà chuyên môn liên quan đến việc đánh giá mức độ bảo tồn của Cổ Loa cả trên mặt đất và dưới lòng đất, 3 vòng thành và những di tích liên quan; thực trạng quản lý di sản ở Cổ Loa; mức độ quan tâm của UNESCO tới di sản Cổ Loa; số hóa dữ liệu di sản bằng 3D như một giải pháp tức thời để lưu trữ dữ liệu di sản như Cổ Loa; tầm nhìn đối với quản lý di sản; kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Thành phố di sản…
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản: Cổ Loa là di tích lịch sử 2300 năm tuổi độc nhất vô nhị và là Di tích Quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, khách đến Cổ Loa thường chỉ đến vào dịp Tết, hội Cổ Loa. 11 tháng còn lại trong năm, chỉ lác đác khoảng vài chục đến vài trăm ngàn khách. Khách đến Cổ Loa chủ yếu thắp hương ở đền Cổ Loa, đình Ngự triều di quy là chính mà không đi xem 3 vòng thành. Đó là điều đáng tiếc.
Cách Hà Nội chừng 100km, tỉnh Ninh Bình đã biết khai thác triệt để tiềm năng di sản thiên nhiên và lịch sử, trở thành một trung tâm du lịch của cả nước. Quảng Ninh, cách xa hơn, chỉ có di sản thiên nhiên Hạ Long nhưng hàng năm, thu hút hàng triệu khách du lịch.… Trong khi đó, Cổ Loa vẫn đang “ngủ”.
Hiện tại, di tích Cổ Loa chỉ quản lý đình, đền, miếu, giếng ngọc, vườn thuyền, ao … Hạt nhân của Loa thành (gồm 3 vòng thành, 3 vòng hào và sông Hoàng Giang) lại thuộc sự quản lý của chính quyền xã Cổ Loa. Như vậy, di tích Cổ Loa chưa có sự quản lý đồng bộ và thống nhất. Đây là lý do khiến công tác bảo tồn và phát triển di tích còn nhiều hạn chế, lại khó để tổ chức hoạt động du lịch một cách chuyên nghiệp…
Buổi Tọa đàm “Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển” là cơ hội để cộng đồng xã hội lắng nghe tiếng nói từ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kiến trúc sư, nhà quản lý di sản để tìm ra giải pháp cho những vấn đề về di tích Cổ Loa.
Sau buổi tọa đàm, ngày 6/8/2018, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4014/QĐ-UBND, phê duyệt Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.
Quỳnh Anh