Sự kiện

Tọa đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa ba thành phố Hà Nội – Huế – Sài Gòn

Chiều 3/10, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa ba thành phố Hà Nội – Huế – Sài Gòn (8/10/1960 – 8/10/2020), đồng thời cũng là hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tham dự Tọa đàm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh. Đại biểu tỉnh Thừa Thiên – Huế có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ. Đại biểu thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Tô thị Bích Châu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức… và các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử.

Các đại biểu tham dự buổi toạ đàm, gặp mặt.
Gặp mặt, giao lưu với các nhân chứng lịch sử tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm và gặp mặt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định: Lịch sử dân tộc đã chứng minh Hà Nội – Huế – Sài Gòn “như cây một cội, như con một nhà”, trải qua các thời kỳ lịch sử, đã hợp sức cùng nhau trong lao động sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, chống kẻ thù xâm lược, giữ vững bờ cõi dân tộc đã được thể hiện sinh động trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Đồng chí Chu Ngọc Anh cho biết, cách đây 60 năm, theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội cùng các đồng chí đại diện nhân dân Huế, Sài Gòn quyết định thành lập Ban vận động kết nghĩa Hà Nội – Huế – Sài Gòn, đầu tháng 10/1960, do Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội làm Trưởng ban. Tối 8/10/1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), Ban vận động đã tổ chức trọng thể Lễ ký kết giữa ba thành phố lớn Hà Nội – Huế – Sài Gòn. Từ đây, nhân dân Hà Nội đã ghi tên Huế – Sài Gòn trong trái tim mình, trong tâm trí.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc.

Sau ngày đất nước thống nhất, cả nước cùng tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội vinh dự là Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất, Thành phố Sài Gòn vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hà Nội – Huế – Sài Gòn cùng cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua những năm tháng khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng – an ninh và tiến hành công cuộc đổi mới. Ba tỉnh, thành phố tiếp tục có các chương trình giao lưu, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, thiên tai, lũ lụt thể hiện tình cảm gắn bó thủy chung như anh em một nhà.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh tin tưởng rằng mối quan hệ đặc biệt giữa ba thành phố tiếp tục được các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân bồi đắp thêm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để mối tình keo sơn đó ngày càng bền chặt; đồng thời khẳng định, đây là hành trang để Hà Nội – Huế – Sài Gòn vững bước trên con đường đổi mới.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu chia sẻ: “Mối tình kết nghĩa giữa ba thành phố thể hiện tư tưởng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Đồng hành với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi luôn hướng về Hà Nội nghìn năm văn hiến và tự hào về thành phố Hồ Chí Minh “Thành đồng Tổ quốc”. Chúng tôi đánh giá cao và chúc mừng những thành quả to lớn của công cuộc xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trương Lưu phát biểu.

Để tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, phát huy thế mạnh, vai trò của mỗi địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề nghị, ba thành phố tập trung tăng cường hợp tác, hỗ trợ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; trong đó, đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo cán bộ, nhất là lĩnh vực quản lý, vận hành hệ thống về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Đồng chí Lê Trường Lưu cũng đề nghị tăng cường trao đổi về cách làm hay trong giải quyết các vấn đề ở cơ sở; đẩy mạnh hợp tác về phát triển kinh tế – xã hội tập trung vào các lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch, phát triển đô thị, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; du lịch, thương mại; văn hóa, xã hội; an ninh quốc phòng…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cũng khẳng định: Mối tình thắm thiết keo sơn Hà Nội – Huế – Sài Gòn đã ghi vào những trang sử vẻ vang của ba tỉnh, thành phố và mãi khắc sâu trong lòng nhân dân cả nước; động viên nhân dân Hà Nội nỗ lực xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa, cổ vũ nhân dân Huế, Sài Gòn và miền Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu.

Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định đặt một số tên đường như đường Hà Nội, đường Bến Nghé. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1984) , Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết định đổi tên xa lộ Biên Hòa thành xa lộ Hà Nội. Nối tiếp truyền thống quý báu, Hà Nội, Huế, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh giao lưu và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chương trình hợp tác giữa ba thành phố được ký kết, tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trên các mặt kinh tế xã hội, cùng cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu phát triển và hội nhập. Mối tình sắt son đó sẽ mãi mãi thắm tươi trên những công trình mang dấu ấn chung trong quy hoạch và phát triển, trong từng chương trình kế hoạch, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; du lịch; thương mại; văn hóa – xã hội; y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội của ba Thành phố.

Tham luận của các đại biểu tại buổi tọa đàm nhấn mạnh về mối quan hệ gắn bó Hà Nội – Huế – Sài Gòn, góc nhìn lịch sử về việc kết nghĩa của ba thành phố, sự hợp tác phát triển du lịch di sản của ba địa phương, cũng như những thành quả đã đạt được qua việc kết nghĩa Hà Nội – Huế – Sài Gòn, tạo động lực để xây dựng 3 tỉnh, thành phố giàu đẹp văn minh, hiện đại.

Lan Chi

Ảnh: Anh Tùng

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *