Sáng 9/4/2025, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra chương trình Toạ đàm – Gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”.

Chương trình do Thành uỷ, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội thực hiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Các đại biểu tham dự Chương trình có: Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương… cùng nhiều đại biểu là các nhân chứng lịch sử đã từng sống, chiến đấu và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Phát biểu khai mạc Chương trình, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương chia sẻ: Chương trình toạ đàm là dịp để chúng ta ôn lại những ký ức hào hùng và bày tỏ lòng biết ơn đến thế hệ cha, anh đã hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng thông qua những chia sẻ chân thực từ nhân chứng lịch sử. Chương trình cũng như một lời tri ân của thế hệ hôm nay với các thế hệ cha anh đã một thời oanh liệt, hào hùng, không tiếc tuổi xuân, hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc ấm no của Nhân dân. Thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước, mang trong mình trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hà Nội luôn là điểm tựa, là niềm tin, là hậu phương vững chắc, luôn hướng về miền Nam với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.

Tọa đàm “Hà Nội- Ý chí và niềm tin quyết thắng” có nội dung lịch sử xuyên suốt từ năm 1954 đến năm 1975 với 3 chủ đề: Miền Bắc – Hậu phương vững chắc; Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 – thống nhất đất nước. Với sự dẫn dắt của nhà báo Tạ Bích Loan, khán giả được nghe những câu chuyện chân thực, đầy cảm xúc về một thời bom đạn của các nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp tham gia và chứng kiến các sự kiện quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc qua những chia sẻ của: Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn; NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng; ông Nguyễn Xuân Thuần; Đại úy Vũ Đăng Toàn; ông Phạm Duy Đô; Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên; ông Nguyễn Văn Tập; KTS Nguyễn Hữu Thái…

Đó là chia sẻ xúc động của bà Đặng Thị Ty – Nguyên Trung đội trưởng Trung đội dân quân đập Đáy về những ngày tháng hòa mình trong Phong trào “Ba đảm đang”; là những ký ức hào hùng ở tuổi 20 của bà Nguyễn Thị Sang – Người phụ trách những đoàn tàu quân sự chở bộ đội vào Nam tiếp viện cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và tiếp nhận thương binh từ chiến trường ra Bắc để điều trị.

Câu chuyện của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn, quê ở xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh lại khiến nhiều người cảm phục. 16 tuổi, chỉ nặng 35kg, nhưng chàng trai Đinh Thế Văn đã trốn gia đình đi thanh niên xung phong để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. 18 năm sau, trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân), ông đã chỉ huy Tiểu đoàn lập công xuất sắc, là một trong những đơn vị bắn rơi nhiều B-52 nhất (4 chiếc), góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc chiến 12 ngày đêm tháng 12-1972. Hay những chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thuần, người từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị năm 1972 với cuốn nhật ký ông viết từ những ngày đầu tham gia chiến đấu… đã để lại cho người nghe nhiều cảm xúc.

Thông qua những câu chuyện, những chia sẻ chân thật và cảm xúc của các nhân chứng lịch sử, thêm một lần nữa khẳng định Tọa đàm – Gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng” không chỉ ôn lại những ký ức lịch sử đáng nhớ mà còn là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với những anh hùng đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây cũng là cơ hội để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của sự kiện trọng đại ngày 30/4/1975.
Trong khuôn khổ của Chương trình, tại Bảo tàng Hà Nội còn diễn ra triển lãm “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng” giới thiệu những tài liệu, hiện vật quý giá, phản ánh sự kiên cường, bền bỉ và niềm tin bất diệt của người dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1954-1975, cũng như tôn vinh những chiến công vĩ đại đã góp phần vào chiến thắng của dân tộc.

Cũng trong dịp này, Bảo tàng Hà Nội tổ chức tiếp nhận tài liệu, hiện vật của các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Đó là các đồ dùng, trang thiết bị quân sự, thư từ, hình ảnh, tài liệu hành chính, nhật ký và các kỷ vật khác từ thời kỳ chiến tranh. Đây là những hiện vật quý sẽ được Bảo tàng Hà Nội lưu giữ, trưng bày để thế hệ hiện tại và tương lai hiểu rõ hơn về những mất mát, hy sinh và tinh thần chiến đấu kiên cường, buất khuất của dân tộc Việt Nam.
PV