Chiều 25/10, Đảng ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) tổ chức Tọa đàm Giá trị lịch sử văn hóa và lễ hội đình (đền Nội) Bình Đà.
Tọa đàm được tổ chức nhằm phản ánh những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đình (đền Nội) Bình Đà, giúp xã Bình Minh và huyện Thanh Oai hoàn tất hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền xét nâng cấp từ di tích cấp Quốc gia lên di tích Quốc gia đặc biệt.
Đình (đền Nội) Bình Đà thờ Quốc tổ Lạc Long Quân. Ảnh internet
Theo tư liệu, đình (đền Nội) Bình Đà nằm trên thửa đất ở trung tâm thuộc địa phận thôn Quyếch, xã Bình Minh. Đình (đền Nội) tọa lạc trong khuôn viên rộng 10.000m2. Đình (đền Nội) đã được trùng tu, xây dựng lại nhiều lần do bị giặc đốt phá. Đến năm 1918 được trùng tu với quy mô lớn. Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010), Nhà nước đã đầu tư phục dựng đình (đền Nội) với quy mô hoàn chỉnh. Đình (đền Nội) được xây dựng theo kiểu chữ Đinh. Ngoài cùng là ao sen, mùa hè đến, hoa sen nở tỏa hương thơm ngát khắp vùng. Tiếp đến là tòa đại đình gồm hậu cung, tiền tế, đại bái, thiêu hương, tiền môn cùng hai dãy tả mạc, hữu mạc. Đặc sắc nhất trong hậu cung phải kể đến bức phù điêu chạm khắc tinh xảo hình ảnh Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền trên nền gỗ quý sơn son thếp vàng, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (năm 2015). Trong đình (đền Nội) hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như: Thần phả, sắc phong, bia ký, chuông đồng, đồ tế tự, hoành phi, câu đối… Với những giá trị đặc biệt, đình (đền Nội) được xếp hạng Di tích lịch sử – nghệ thuật cấp quốc gia (năm 1985) và Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia (năm 1991).
Lễ hội Bình Đà là lễ hội đầu tiên trên địa bàn Thủ đô được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh internet
Lễ hội Bình Đà được tổ chức hàng năm tại đình (đền Nội) và đình Ngoại để tưởng nhớ và tri ân hai vị Thành hoàng của làng. Lễ hội Bình Đà bắt đầu từ ngày 26/2 đến 6/3 âm lịch. Những ngày đầu chủ yếu là các hoạt động tế lễ, rước mã, cầu phúc. Chính hội bắt đầu từ mùng 4/3 đến 6/3 âm lịch, bao gồm lễ rước sắc và lễ tế ở đình (đền Nội). Lễ hội Bình Đà còn có tục thả bánh thánh xuống giếng Ngọc vô cùng độc đáo với mong ước một năm mùa màng tươi tốt, Nhân dân có cuộc sống ấm no. Lễ hội Bình Đà là lễ hội đầu tiên trên địa bàn Thủ đô được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Vân Anh
Tại Tọa đàm đã có 8 ý kiến của các đại biểu thảo luận, đánh giá cao về giá trị lịch sử, văn hóa của đình (đền Nội) Bình Đà và lễ hội Bình Đà. Đây là nguồn tư liệu quý giúp xã Bình Minh cùng phối hợp nghiên cứu, đóng góp hoàn chỉnh một số giá trị tiêu biểu của di tích đình (đền Nội) Bình Đà để huyện Thanh Oai hoàn thiện tư liệu lập hồ sơ khoa học trình xét nâng cấp xếp hạng đình (đền Nội) Bình Đà là Di tích quốc gia đặc biệt.
Mai Phương