Nhân kỷ niệm 340 năm năm sinh của Đình nguyên, Hoàng giáp Nguyễn Duy Đôn (1679 -2019), sáng 19/9, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Tọa đàm khoa học “Đình nguyên, Hoàng giáp Nguyễn Duy Đôn (1679 – 1741) con người và sự nghiệp” nhằm đánh giá những đóng góp của ông đối với quê hương, đất nước.
Nguyễn Duy Đôn (1679 – 1741) người xã Cao Lãm huyện Sơn Minh – Nay là thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Ông là người có tư chất thông minh, đĩnh ngộ, trí nhớ hơn người. Từ nhỏ ông đã được học từ các thầy đồ có tiếng. Năm 18 tuổi ông thi đỗ Tứ trường kỳ thi Hương khoa Bính Tí (1696). Sau đó, ông lại thụ nghiệp hai vị Tiến sĩ nổi tiếng thời ấy là Tiến sĩ Trần Phụ Dực đỗ Tiến sĩ khoa Quý Hợi (1683) và Tiến sĩ Vũ Thạnh đỗ Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1685). Đến khoa thi Hội năm Quý Mùi (1703) ông lại đỗ Tam trường. Năm Canh Dần (1710), ông đỗ thứ nhất kỳ khảo thí của Bộ Lại, được nhậm chức Huấn đạo phủ Tiên Hưng. Năm 34 tuổi, ông đỗ thứ hai kỳ thi Hội khoa Nhâm Thìn (1712), và đỗ đầu kỳ thi Đình khoa thi ấy (khoa thi này không có Trạng nguyên), được bổ chức Hàn lâm viện Hiệu lý.
Sau khi thi đỗ, ông được làm Đốc đồng xứ Thanh Hoa vào năm 1715. Rồi làm Phó Đốc thị Nghệ An vào năm 1724. Năm Nhâm Tý (1732) được thăng làm Hàn lâm viện Thừa chỉ. Năm Quý Sửu (1733), giữ chức Hàn lâm viện Thừa chỉ Tri Lễ phiên. Sau đó, ông thăng chuyển sang làm Hình bộ Hữu Thị lang vào năm Giáp Dần (1734). Đến năm Bính Thìn (1736) được phong làm Binh bộ Hữu Thị lang. Vào năm Kỷ Mùi (1739), khi ở tuổi 61 ông được đặc ban chức Công bộ Tả Thị lang, về trí sĩ. Ông mất vào năm Tân Dậu (1741) thọ 63 tuổi, được ban tặng chức Công bộ Thượng thư, tước Hầu.
Với 15 bài tham luận của các nhà khoa học, tọa đàm đã tập trung nghiên cứu, đánh giá về con người và sự nghiệp của Đình nguyên, Hoàng giáp Nguyễn Duy Đôn; về quê hương Cao Lãm và dòng họ Tây Nguyễn nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa liên quan đến Đình nguyên, Hoàng giáp Nguyễn Duy Đôn.
Lương Châu
Theo MaskOnline