Di sản

Tọa đàm “Kiến trúc Pháp – Đông Dương -Từ góc nhìn Di sản”

Những công trình Kiến trúc Pháp – Đông Dương tại Thủ đô chính là những di sản quý báu, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn là di sản lịch sử, văn hóa đã chứng kiến một thời kỳ đầy biến động, làm nên nét đặc trưng văn hóa của thành phố ngàn năm.

Với lịch sử thăng trầm của Hà Nội trong thế kỷ XX đầy biến động thì những dinh thự, biệt thự Pháp cổ cũng có một lịch sử ly kỳ, hấp dẫn tương tự. Phía sau những bể dâu lịch sử ấy chính là những câu chuyện, những con người… Có thể nói, những công trình Kiến trúc Pháp – Đông Dương tại Thủ đô chính là những di sản quý báu, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn là di sản lịch sử, văn hóa đã chứng kiến một thời kỳ đầy biến động, làm nên nét đặc trưng văn hóa của thành phố ngàn năm.

Năm 2023 cũng là năm đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp được thiết lập. Nhân dịp này, Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với Omega Plus tổ chức tọa đàm “Kiến trúc Pháp – Đông Dương – Từ góc nhìn di sản” nhằm giúp độc giả hiểu hơn về những di sản, giá trị văn hóa, lịch sử thông qua những câu chuyện về công trình kiến trúc Pháp Đông Dương nổi tiếng tại Hà Nội như Cầu Long Biên, Bưu điện Hà Nội, Nhà hát Lớn Hà Nội…

Tọa đàm có sự tham gia của nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả cuốn sách “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội”; TS. KTS Lê Phước Anh, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội; ThS Bùi Thị Hệ, Phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Đối với nhịp sống thời nay, khi mà nhiều câu chuyện về giữ gìn giá trị văn hóa trở thành điểm nóng thì nét đẹp của kiến trúc Pháp tại Hà Nội như một di sản văn hóa của riêng Thủ đô, mang tâm hồn, tính cách Hà Nội. Những nét đẹp ấy làm nên một Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại, mà đối với người Hà Nội thì những điều đó là một phần của sự nên thơ, lãng mạn rất riêng trong cuộc sống. Các diễn giả sẽ tập trung vào những di sản – 37 công trình trong số 60 công trình được chọn lọc để giới thiệu trong cuốn sách “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội”.

Với những tư liệu quý, hình ảnh bản thiết kế các công trình cùng lời thuyết minh bằng ba ngôn ngữ Việt – Pháp – Anh, cuốn sách “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội” sẽ hé mở cho độc giả những câu chuyện mà chắc hẳn nhiều người chưa biết tới, khám phá những kiến trúc của Pháp đặt vào bối cảnh Đông Dương bấy giờ. Và ở đây, có rất nhiều tầng bậc, lịch sử thuộc địa, lịch sử quan hệ ngoại giao… các tầng bậc khác của cư dân bản địa và kể từ khi người Pháp đặt chân đến Đông Dương đến nay.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến đã viết trong cuốn sách: “Tôi là người Sài Gòn và chỉ bắt đầu làm quen Hà Nội từ năm 1984. Thêm nữa, tôi là người “ngoại đạo” về kiến trúc, chỉ là khách lữ say mê lịch sử” và “bị cuốn hút bởi vẻ đẹp kì lạ của một thành phố Việt Nam hơn 1.000 tuổi đời nhưng lại mang khí vị Pháp”. Điều đặc biệt này cũng mang đến cho cuốn sách những góc nhìn thú vị, mới mẻ.

Tọa đàm “Kiến trúc Pháp Đông Dương – Từ góc nhìn Di sản” diễn ra vào sáng thứ Bảy, ngày 22/7/2023 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Số 5 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội.

V.H

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *