Nghệ thuật

Tọa đàm “Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp”

Ngày 15/10, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp”.

Tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu là những người hoạt động trong ngành mỹ thuật ứng dụng, các họa sỹ, các nhà thiết kế, nghệ nhân…
Mỹ thuật ứng dụng bao gồm các thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, thiết kế trang trí nội thất, thiết kế sản phẩm, thiết kế đồ chơi, thiết kế thời trang và phụ kiện; sản phẩm trên các chất liệu như sơn mài, gốm, sứ, mây tre, chạm khắc vàng, bạc, đồng, gỗ, kim loại, vải, tổng hợp… Hiện nay, mỹ thuật ứng dụng đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, hầu hết sản phẩm tiêu dùng đều có yếu tố thiết kế mỹ thuật.
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã chia sẻ nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề như: Thực trạng không gian thẩm mỹ công cộng và nhận thức của xã hội trong thời kỳ đô thị hóa ở Việt Nam, vấn đề nâng cao thẩm mỹ của cộng đồng; Những thách thức và cơ hội của mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thực trạng hoạt động quản lý làng nghề, nghệ nhân và định hướng phát triển sản phẩm thủ công ở Việt Nam hiện nay; Sự chuyển đổi nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo tác phẩm mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam; Xu hướng tiêu dùng sản phẩm thiết kế và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và thế giới; Lực lượng họa sỹ thiết kế sáng tạo và nghệ nhân thủ công mỹ nghệ trong giai đoạn hiện nay; Ảnh hưởng của công nghệ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống; Đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật ứng dụng hiện nay; Vấn đề nghiên cứu mỹ thuật ứng dụng hiện nay; Phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ tài năng trong lĩnh mỹ thuật ứng dụng…
Phát biểu tại tọa đàm, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Mỹ thuật ứng dụng là lĩnh vực rất rộng, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều ngành nghề, do nhiều Bộ cùng quản lý. Vì vậy, mỹ thuật ứng dụng cần sự kết nối, chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau, liên kết để cùng phát triển nhằm tạo ra những thiết kế sáng tạo, mẫu mã, sản phẩm có giá trị văn hóa, nghệ thuật, có tính ứng dụng, trở thành những hàng hóa trong tiêu dùng, xuất khẩu.
Tại Tọa đàm, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, các làng nghề, các nhà thiết kế, các nghệ nhân, các thợ thủ công cùng nhau thiết lập một website về mỹ thuật ứng dụng với hệ thống quản trị website đáng tin cậy, trở thành chợ điện tử mỹ thuật ứng dụng, là nơi giới thiệu, chào bán các thiết kế, mẫu mã sản phẩm, trao đổi các thông tin, các hoạt động mỹ thuật ứng dụng, kết nối các doanh nghiệp, làng nghề, người thiết kế, người sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ ở trong nước và quốc tế.

Thùy Anh

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *