Di sản

Tôn vinh di sản hát Then, đàn Tính

Từ ngày 12 – 14.5, Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái toàn quốc lần thứ VI được tổ chức tại Hà Giang. Hoạt động nhằm tôn vinh và bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật dân gian đặc sắc này, trong bối cảnh Hồ […]

Từ ngày 12 – 14.5, Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái toàn quốc lần thứ VI được tổ chức tại Hà Giang. Hoạt động nhằm tôn vinh và bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật dân gian đặc sắc này, trong bối cảnh Hồ sơ quốc gia Then Tày – Nùng – Thái đang trình UNESCO đề nghị ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ nhân 14 tỉnh hội tụ

Tại họp báo chiều 4.5, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái toàn quốc lần thứ VI có sự tham gia của 14 tỉnh gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Đắk Lắk. Nhiều làn điệu Then của các vùng và các hình thức hát Then, múa Then, tấu Then sẽ được giới thiệu như: Then cổ, Then cải biên, ca khúc sáng tác dựa trên chất liệu Then (chú trọng các làn điệu Then cổ). Liên hoan đề cao vai trò chủ thể văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại; gắn hoạt động văn hóa thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các địa phương. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan cho biết: “Bộ đã có công văn yêu cầu các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện phải bám sát nội dung chủ đề Liên hoan, không đưa vào những nội dung lệch lạc làm biến tướng giá trị di sản văn hóa”.


Hát Then, đàn Tính gắn bó với đời sống người Tày – Nùng – Thái bao đời nay
Ảnh: An Văn Đăng

Liên hoan là hoạt động văn hóa với quy mô toàn quốc, nhằm tôn vinh, bảo tồn, gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã bao đời gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày – Nùng – Thái trên khắp mọi miền Tổ quốc; là cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa nghệ nhân, diễn viên các dân tộc Tày – Nùng – Thái. Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng phòng Di sản Văn hóa Phi vật thể, Cục Di sản văn hóa, các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Then đã và đang được thực hiện như: Kiểm kê nhận diện, tư liệu hóa di sản; sưu tầm, thu thanh, ghi hình tư liệu do các thầy Then cao tuổi thực hiện; dịch thuật, in ấn phẩm Then; sưu tầm hiện vật liên quan đến Then để trưng bày, phát huy giá trị của nó tại các bảo tàng địa phương. Ngoài ra, nhiều lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính và nghi lễ Then cũng được thực hiện tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật của các tỉnh có di sản này; thậm chí ở cả các tỉnh có sự lan tỏa của Then.

Nhận diện sức sống di sản

 Trong thời gian diễn ra Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái, tại Hà Giang diễn ra nhiều hoạt động như tái hiện nghi lễ then truyền thống, Lễ hội Khau Vai, tour thăm Công viên địa cất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Xín Mần…

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Then, từ năm 1961 đến nay, 11 tọa đàm khoa học, 5 hội thảo khoa học quốc gia, 1 hội thảo khoa học quốc tế đã được tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh có di sản. Công tác kiểm kê di sản những năm gần đây cũng được coi trọng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang: “Việc kiểm kê không dừng ở kiểm đếm nghệ nhân hay di sản, mà mang tính nhận diện, từ nhận diện sức sống của di sản, đề xuất biện pháp bảo vệ. Việc kiểm kê với Then đã được tiến hành hơn 8 năm qua, hàng năm, các địa phương gửi báo cáo về Cục Di sản văn hóa, thể hiện rõ có bao nhiêu nghệ nhân, bao nhiêu học trò kế cận, số lượng bài bản cổ, có thêm bao nhiêu bài bản mới được sáng tác trên chất liệu Then cổ… Kế hoạch bảo vệ phát huy di sản Then được xây dựng và thực hiện 5 năm/lần và điều này được thể hiện rất rõ trong Kế hoạch hành động đã cam kết với UNESCO tại hồ sơ đệ trình với UNESCO vào ngày 31.3.2017”.

Chính sách với nghệ nhân Then cũng được quan tâm. Từ năm 2002, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho các thầy Then. Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cũng được Chủ tịch Nước phong tặng và truy tặng cho các nghệ nhân Then từ năm 2015. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng xét tặng nghệ nhân theo tiêu chí riêng, căn cứ vào kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát Then hoặc thực hành nghi lễ Then Tày – Nùng – Thái…

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang Nguyễn Hồng Hải cho biết thêm: “Vừa qua, UBND tỉnh đã công nhận danh hiệu nghệ nhân đợt 1, vinh danh 12 nghệ nhân dân gian, trong đó có nghệ nhân gìn giữ Then cổ. Ngoài ra, di sản còn được đưa vào trường học truyền dạy cho học sinh; các Hội nghệ nhân dân gian cũng được thành lập đến tận thôn, bản, từ đó truyền dạy, hướng dẫn thế hệ trẻ bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc nói chung, cũng như di sản Then của đồng bào Tày – Nùng – Thái được phát huy một cách tốt nhất. Song song với bảo tồn Then cổ là phát triển Then mới, có định hướng để không làm lệch lạc, mai một nội dung Then cổ”.

Theo Báo Đại Biểu nhân dân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *