Kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia, UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức chuỗi các hoạt động tôn vinh di sản trong khu phố cổ Hà Nội.
Khu Phố cổ Hà Nội có vị trí đặc biệt trong nội đô lịch sử và cả Thủ đô Hà Nội, là một Di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên doanh, nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Khu Phố cổ Hà Nội có nguồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia năm 2004.
Nhận thức rõ khu Phố cổ Hà Nội có giá trị đặc biệt trong lòng Thủ đô, quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị trong những năm qua.
Chuỗi hoạt động văn hóa kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia diễn ra từ nay đến ngày 15/12, gồm: Trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, toạ đàm… Trong đó, có một số hoạt động nổi bật như: Trưng bày chủ đề “Đồng Ta” giới thiệu về lịch sử, văn hóa Đông Sơn, về nghề đúc và chế tác đồng của người Việt từ cổ đại đến hôm nay; trưng bày không gian gia đình người Hà Nội xưa làm nghề thuốc Đông y, chủ đề “Chuyện Phố Hàng”; trưng bày giới thiệu thành tựu 20 năm khu Phố cổ Hà Nội đón nhận bằng di tích lịch sử quốc gia…
Nhóm các hoạt động biểu diễn gồm có: Hòa nhạc di sản cổ truyền – đương đại của nhóm Đông Kinh cổ nhạc và Nhã nhạc Cung đình Huế; biểu diễn âm nhạc truyền thống của nhóm Đông Kinh cổ nhạc và Nhã nhạc Phú Xuyên; biểu diễn Chuyện của Đó của nhóm Đàn Đó; chương trình tour thực cảnh “Chuyện phố Hàng”; chương trình triển lãm, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động trải nghiệm, giới thiệu Làng nghề – Phố nghề: Gốm Bát Tràng, đậu bạc Định Công, thêu Mỹ Đức, nón làng Chuông, lụa Phùng Xá, cốm Phố cổ…
Ngoài ra, còn có một số cuộc tọa đàm như: Tọa đàm “Trống Đồng người Việt từ Đông Sơn – Thanh Hóa đến Đông Sơn văn hóa”; tọa đàm “Nét đặc sắc của mỹ thuật truyền thống và ứng dụng, tái tạo các giá trị văn hóa trong kiến trúc đương đại”… và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc khác.
Qua những hoạt động này, Ban tổ chức mong muốn giới thiệu đến công chúng một số giá trị di sản văn hóa của phố cổ nói riêng, các di sản văn hóa Việt Nam nói chung, từ đó kêu gọi cộng đồng cùng chung tay với chính quyền trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản, gắn với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa.
H.A