Tin tức - Sự kiện

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 – 9/7/2022) là dịp tưởng nhớ cuộc đời cách mạng vẻ vang, cao đẹp, tri ân những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang, cao đẹp


Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn (nay là thôn Phù Khê, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Năm 1928, đồng chí được kết nạp và tham gia hoạt động cách mạng trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử là đại diện Xứ ủy giúp việc liên lạc và chỉ đạo Đặc khu ủy vùng mỏ.

Tháng 2/1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, bị kết án “phát lưu chung thân” và đày ra Côn Đảo từ năm 1931 đến năm 1936.

Cuối năm 1936, sau khi được trả tự do, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia thành lập “Ủy ban sáng kiến” – cơ quan có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ; sau đó tham gia tái lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ (3/1937) và được cử là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy.

Tại Hội nghị Trung ương Đảng (mở rộng) năm 1937, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và đến Hội nghị Trung ương tháng 3/1938, được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi chưa đầy 26 tuổi.

Ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn. Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra (23/11/1940), đồng chí bị thực dân Pháp buộc tội chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc khởi nghĩa và ngày 28/8/1941, đồng chí đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định.

Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta; tô thắm thêm lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người có khả năng lý luận sâu sắc và là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Với 20 tháng trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong việc chỉ đạo và chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng; trong xây dựng củng cố Đảng cả về tư tưởng, tổ chức và phương thức hoạt động, trong xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trong những điều kiện lịch sử khác nhau. Những đóng góp ấy thể hiện trí tuệ sáng tạo với tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta.

Khi nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam và Đông Dương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng; chỉ đạo cho phát hành cuốn “Công tác bí mật của Đảng” kịp thời gửi tới Đảng bộ các cấp; trực tiếp triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc kỳ…

Tác phẩm ‘Tự chỉ trích” do đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết với bút danh Trí Cường

Tháng 7/1939, đồng chí đã viết và xuất bản tác phẩm “Tự chỉ trích” với bút danh Trí Cường. Tác phẩm “Tự chỉ trích” là một văn kiện lý luận chính trị quan trọng của Đảng ta. Tác phẩm có nội dung phong phú, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đấu tranh tự phê bình và phê bình, thực hiện dân chủ trong Đảng. Lần đầu tiên ở Việt Nam, một Tổng Bí thư của Đảng đã viết: “Những người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi hay phỉnh họ”. Đồng chí nhấn mạnh, dù có sai lầm, có thất bại cũng “phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật”. Phê phán những khuynh hướng thiên tả hoặc thiên hữu của một số cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ yêu cầu Đảng phải “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình mà tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ”.

Đầu tháng 9/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc Kỳ, phổ biến tình hình và quyết định rút một số cán bộ vào hoạt động bí mật, phân công một số cán bộ Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ ở các địa bàn chiến lược, chuẩn bị cơ sở cho cuộc đấu tranh vũ trang khi có điều kiện.

Đặc biệt, chỉ hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, trong đó xác định: Để tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào chống đế quốc và ách thống trị của phát xít thuộc địa, Đảng sẽ tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn thích hợp nữa; phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang.

Khu lưu niệm Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng mới, lực lượng cách mạng cũng tránh được tổn thất lớn khi kẻ địch trở mặt đàn áp. Giữa lúc phong trào vận động giải phóng dân tộc mới bắt đầu tiến triển thì đầu năm 1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số đồng chí lãnh đạo cao cấp khác của Đảng đã bị bắt. Nhưng những nhận định và quyết định sáng suốt, kịp thời, những chủ trương nhạy bén và sáng tạo do Hội nghị Trung ương 6 vạch ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã được Trung ương Đảng khẳng định tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (11/1940) và bổ sung, hoàn thiện tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941). Nhờ đó, phong trào cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới mạnh mẽ, tiến tới giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và Nhân dân ta. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là dịp tưởng nhớ cuộc đời cách mạng vẻ vang, cao đẹp, tri ân những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đặc biệt, những cống hiến về tư tưởng và lý luận của đồng chí, nhất là trong tác phẩm “Tự chỉ trích” mãi còn nguyên giá trị, là tài liệu vô cùng quý giá để triển khai thắng lợi Kết luận 21-KL/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thành kính và tri ân công lao, đóng góp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục học tập, vận dụng tinh thần, tư tưởng tự phê bình và phê bình nêu trong tác phẩm “Tự chỉ trích” góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.

T.G

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *