Ngày 12/4, Đoàn kiểm tra Trung ương làm việc với Thành ủy Hà Nội về đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 NQ/TW (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo và đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ; các thành viên trong đoàn kiểm tra; đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự UBND Thành phố; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội và các quận, huyện.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 NQ/TW đã đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đã trình bày báo cáo kết quả 5 năm triển khai, thực hiện nghị quyết 33 NQ/TW (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó nêu rõ, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa của Hà Nội rất hệ trọng, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài; văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội; quan điểm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa… Thành ủy Hà Nội luôn xác định không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, có một chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, con người.
Quán triệt việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW chính là sự tiếp nối trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là vai trò và vị thế văn hóa của Hà Nội đòi hỏi phải thực sự tiểu biểu cho văn hóa Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Thành ủy Hà Nội đã ban hành, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả rõ rệt Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”.
Đồng thời, Thành ủy – HĐND – UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, cụ thể hóa bằng việc ban hành 25 văn bản, trong đó trọng tâm là Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 10/10/2014 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và Kế hoạch số 43/KH-UBND, ngày 18/02/2016 của UBND Thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP, ngày 31/12/2014 của Chính phủ và Chương trình hành động số 29-CTr/TU, ngày 10/10/2014 của Thành ủy gắn với việc thực hiện Chương trình 04-CTr/TU. Kế hoạch của UBND Thành phố đã cụ thể hóa Chương trình số 29-CTr/TU của Thành ủy bao gồm 01 mục tiêu chung, 9 mục tiêu cụ thể, 07 chỉ tiêu, 38 đề tài, dự án, đề án, kế hoạch; kịp thời phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố; cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã; các đảng ủy trực thuộc Thành ủy; xác định nội dung, trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể đối với các địa phương, đơn vị thực hiện. Đây là cơ sở và điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, tổ chức thực hiện ở các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội từ thành phố tới cơ sở.
Báo cáo cũng đánh giá một số kết quả nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong việc thực hiện Nghị quyết số 33 NQ/TW. Trong đó, giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô và con người Hà Nội với bạn bè quốc tế. Công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp. Các phong trào quần chúng được phát động gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và phong trào xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo quần chúng tham gia, bước đầu hình thành nhiều mô hình về văn hóa và thể thao ở cơ sở. Thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể nhằm phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh bước đầu đạt hiệu quả (xây dựng 02 Quy tắc ứng xử, đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” trong nhà trường…). Việc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình hiện nay được Thành phố thực hiện bài bản, chặt chẽ và đồng bộ từ Thành phố tới cơ sở.
Báo cáo và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, một số cấp uỷ Đảng, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của văn hoá, chưa đặt đúng vị trí nhiệm vụ phát triển văn hóa trong mối quan hệ với phát triển kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác. Sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Đầu tư nguồn lực phát triển văn hoá còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ di sản văn hóa, di tích văn hóa lịch sử còn gặp những khó khăn trong trong việc xử lý các hiện tượng lấn chiếm đất đai, vi phạm di tích do lịch sử để lại. Nguồn kinh phí đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo di tích còn thấp.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa trong việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33 NQ/TW
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu một số kiến nghị, trong đó đề nghị Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là chương trình xây dựng công nghiệp văn hóa; việc tuyên truyền cần thực hiện nghiêm túc, bài bản.
Đồng chí Trịnh Thị Bích Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Hà Nội làm rõ hơn một số nội dung về hiệu quả công tác xã hội và huy động nguồn lực trong việc xây dựng văn hóa, con người Hà Nội trong thời gian vừa qua bao gồm cả việc huy động nguồn lực trong việc tôn tạo, tu bổ di tích, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa; hiệu quả của công tác hội nhập văn hóa quốc tế, xây dựng văn hóa người Hà Nội thông qua hoạt động đối ngoại; vai trò của hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tác động đến xây dựng văn hóa, con người Hà Nội; sự phối hợp giữa giáo dục và văn hóa trong xây dựng con người Hà Nội; việc xây dựng các thiết chế văn hóa cần phù hợp theo từng khu vực để đạt hiệu quả;…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao Thành uỷ Hà Nội đã chuẩn bị tích cực, chu đáo nội dung, tham luận đóng góp, chỉ ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Đồng chí nhấn mạnh, sự nghiệp văn hóa Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ từ việc xây dựng cơ sở vật chất đến các sản phẩm văn hóa. Nhiều công trình văn hóa lớn, các di tích văn hóa, lịch sử được xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Các chương trình giáo dục văn hóa, thẩm mỹ, nếp sống văn minh, hiện đại trong nhân dân Thủ đô ngày càng được phát huy. Chủ trương xã hội hóa lĩnh vực văn hóa đã khơi dậy nguồn lực to lớn của xã hội. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thành phố đã ban hành và triển khai nhiều đề án, chương trình, Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đên năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tố chức lễ hội… tiếp tục xứng đáng là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý nhât của dân tộc Việt Nam.
Tán thành với các ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng chỉ ra một số nhiệm vụ còn hạn chế cần khắc phục, đó là: Đầu tư nguồn lực phát triển văn hoá còn chưa tương xứng với các lĩnh vực khác; sự phát triến trên lĩnh vực văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế, vai trò của Thủ đô; Văn học nghệ thuật còn ít tác phẩm đỉnh cao; việc quảng bá, giới thiệu tác phấm văn học nghệ thuật còn hạn chế;… Để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 33-NQ/TW trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Thành ủy Hà Nội cần quan tâm thực hiện tốt các nội dung: Tập trung chỉ đạo công tác sơ kết Nghị quyết 33-NQ/TW; đánh giá cụ thể, nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục một số tồn tại, yếu kém đã được chỉ ra qua đợt kiểm tra; hoàn thiện báo cáo sơ kết, tổ chức tốt Hội nghị sơ kết; Tiếp tục lãnh đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết, tổ chức có hiệu quả, bám sát các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết; tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương, giữa các ngành, các cấp, xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; chú trọng vào những vấn đề xã hội đang bức xúc như vấn đề con người, đạo đức xã hội, đạo đức trong gia đình, đạo đức trong nhà trường… Từ đó, nghiên cứu thêm những vấn đề cấp thiết để góp phần phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đảm bảo đường lối phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật của Đảng trong thời kỳ mới đi đúng hướng, tăng cường đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Nâng cao chất lượng quản lý, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa các cấp, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô.
Thay mặt Thành ủy Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy đánh giá cao kết quả hội nghị cũng như các ý kiến tham luận. Khẳng định, Thành phố luôn coi đây là Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu một tầm cao mới trong tư duy lý luận và thực tiễn của Đảng về văn hóa, con người thời kỳ đổi mới.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, đóng góp tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị để việc thực hiện Nghị quyết số 33 đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội Thành phố phải thực hiện tốt: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương, gắn chặt chẽ việc thực hiện NQ33 với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả thực hiện. Tiếp tục thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, 04 giải pháp nêu ra trong Nghị quyết, trong đó tập trung vào các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Chương trình hành động số 29 của Thành ủy, Kế hoạch số 43 của UBND Thành phố.
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn kiểm tra để bổ sung, hoàn thiện, cũng như xây dựng mới các văn bản chỉ đạo phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Trung ương, để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô xứng đáng với sứ mệnh lịch sử và vai trò tiêu biểu cho cả nước, đúng với mục tiêu để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Đông Hoàng
Theo MaskOnline