Nhân dịp Tổng kết Liên hoan, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quyết định cấp Giấy chứng nhận và khen thưởng cho 26 giải tại Liên hoan Nghệ thuật Múa không chuyên – Hà Nội năm 2023, trong đó có 1 giải Nhất Chương trình, 10 giải Nhì Chương trình, 12 giải Ba Chương trình, 3 giải Khuyến khích (Phong trào)..
Sáng ngày 31/5, được sự đồng ý của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức Hội nghị Tổng kết Liên hoan Nghệ thuật Múa không chuyên – Hà Nội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác quý III năm 2023.
Liên hoan có chủ đề “Tháng 5 nhớ Bác”
Tới dự Tổng kết Liên hoan có đồng chí Bùi Minh Hoàng -Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội); NSND Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội – Trưởng Ban Giám khảo Liên hoan; đồng chí Lý Thị Thúy Hạnh – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố – Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan; các đồng chí Phó Giám đốc, Trưởng, Phó các Phòng chức năng thuộc Trung tâm Văn hóa Thành phố; các đồng chí lãnh đạo Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao các đơn vị quận, huyện, thị xã…
Liên hoan Nghệ thuật Múa không chuyên – Hà Nội năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tháng 5 nhớ Bác”, chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023), hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023). Liên hoan diễn ra ở 2 Cụm Cơ sở, đã thành công tốt đẹp: Cụm 1 vào ngày 14/5/2023 tại Sân khấu ngoài trời Khu di tích đình Lệ Mật (phường Việt Hưng – quận Long Biên); Cụm 2 vào ngày 17-18/5/2023 tại Sân khấu ngoài trời Trung tâm Văn hóa Thành phố (số 7 – Phùng Hưng – quận Hà Đông).
Các đại biểu dự Tổng kết Liên hoan
Thay mặt Hội đồng nghệ thuật, NSND Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội – Trưởng Ban Giám khảo Liên hoan có một số ý kiến tổng kết Liên hoan: Liên hoan được tổ chức vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thật nhiều ý nghĩa và đầy xúc cảm. Đây là dịp để các diễn viên múa không chuyên Thủ đô bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác, với Đảng, với quê hương, đất nước và thể hiện trách nhiệm của người dân Thủ Đô đóng góp cho sự phát triển của nền nghệ thuật Múa của Hà Nội nói riêng, nghệ thuật Múa Việt Nam nói chung. Trong 3 đêm diễn ra Liên hoan, dưới ánh đèn sân khấu lung linh sắc màu, người xem được chứng kiến 69 tác phẩm Múa là bấy nhiêu câu chuyện khác nhau về đề tài, nội dung và bố cục, được các biên đạo tư duy, sáng tạo thông qua các diễn viên Múa không chuyên, trình diễn bằng cả trái tim, bằng suy cảm tinh tế chứa đựng sâu thẳm trong đó tài năng, tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật Múa, tình yêu quê hương, đất nước.
Các tiết mục Múa đậm đà chất liệu dân gian của Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoàn Kiếm, Đông Anh, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Long Biên… với tính chất nhẹ nhàng, uyển chuyển, duyên dáng, dí dỏm, sôi nổi, có cấu trúc ổn định như đặc trưng vốn có, nhưng vẫn được trình diễn với kỹ thuật tinh tế, đội hình đồng đều, tròn trịa, trang phục đẹp và hoàn chỉnh để truyền tải thông điệp sát với thực tế, chân thực, hấp dẫn về thông tin lịch sử, địa lý, môi trường văn hoá nơi đồng bào sinh sống, thông qua thủ pháp mô phỏng với hai chiều sáng tạo là tự thân ghi nhận cuộc sống để bắt chước hiện tại. Qua đó thấy được phong tục tập quán trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày, trong các lễ hội cũng như trong văn hóa tâm linh của các dân tộc Thái, Lô Lô, Tày, Mường, Dao, Mông, Chăm, Khmer, Tây Nguyên… giúp khán giả cảm nhận được mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có nét độc đáo khác nhau.
NSND Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội – Trưởng Ban Giám khảo Liên hoan phát biểu ý kiến về chất lượng nghệ thuật Liên hoan
Những tác phẩm Múa dân gian đương đại của các quận, huyện: Cầu Giấy, Thanh Trì, Thanh Xuân, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Mỹ Đức… chiếm đa số trong Liên hoan, với các đề tài vô cùng phong phú như ca ngợi công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng về cuộc sống tươi đẹp, tình yêu lứa đôi, xây dựng nếp sống mới… Từ chất liệu truyền thống nguyên bản, được thổi hồn vào đó hơi thở thời đại nhưng vẫn hàm chứa mong ước, khát vọng của Nhân dân. Rất nhiều trong số các tác phẩm đều bám sát chất liệu gốc của Múa dân gian để phát triển, trong đó các động tác, đội hình, tuyến Múa, hình tượng và tình cảm được gửi gắm thêm nét tinh hoa các điệu Múa trên thế giới với một kỹ thuật khó, điêu luyện nhưng vẫn đồng đều, thuần thục, hoàn chỉnh; trang phục phù hợp với nội dung tác phẩm khiến cho người diễn vừa giải phóng được cơ thể và đảm bảo sự kín đáo theo thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Chương trình tham dự Liên hoan xuất hiện một số tác phẩm Múa hiện đại của các quận, huyện như: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì… tuy số lượng tác phẩm không nhiều nhưng điểm nổi bật khi xem các tác phẩm thấy gần gũi cuộc sống, vẫn giữ được hồn cốt dân tộc làm chủ đề để phát triển nội dung câu chuyện. Bằng thủ pháp biểu đạt, các diễn viên phải có trình độ kỹ thuật tốt, dùng chính cơ thể của mình để miêu tả màu sắc, đường nét, khung cảnh đem đến tư duy liên tưởng sự việc, hiện tượng đang xảy ra một cách đa chiều. Đó chính là xúc tác khơi gợi vấn đề, giúp cho khán giả là người đồng hành trong việc tạo ra nội dung và tư tưởng tác phẩm, từ đó nâng cao năng lực cảm nhận của người xem theo tư duy của mỗi người, tạo được sự cuốn hút.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong Liên hoan, Trưởng Ban Giám khảo mong các đơn vị rút kinh nghiệm một số vấn đề để Liên hoan sau được tốt hơn: Trong Liên hoan còn có khá nhiều tác phẩm bố cục không rõ ràng, không truyền tải được nội dung, tư tưởng đến với khán giả. Nhiều tác phẩm Múa bố cục không chặt chẽ, có phần dễ dãi, dựng Múa theo cảm tính, xem Múa cứ miên man, dàn trải từ đầu đến cuối. Nhiều tác phẩm Múa có ngôn ngữ múa pha tạp, lẫn lộn giữa các dân tộc với nhau. Âm nhạc Múa cũng là một vấn đề cần phải quan tâm, một số tiết mục dùng ca khúc để dựng Múa nên tác phẩm mang tính chất Múa phù họa; một số tác phẩm lấy nhạc trên mạng nên chất lượng âm nhạc kém; một số tác phẩm cắt nối âm nhạc không khéo gây phảm cảm cho người nghe…
Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh – Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan cũng nhấn mạnh: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Thành phố đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao các quận, huyện, thị xã để tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Múa không chuyên – Hà Nội năm 2023. Đã thành thông lệ cứ 3 năm một lần, Trung tâm Văn hóa Thành phố đều đưa định hướng phát triển bộ môn nghệ thuật Múa không chuyên là một trong những hoạt động quan trọng của phong trào nghệ thuật quần chúng, tạo sức lan tỏa trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Thủ đô, nâng cao chất lượng hoạt động phong trào nói chung. Được sự phối hợp của Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức cuộc Liên hoan hết sức công phu. Với sự đánh giá của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức cũng như giới truyền thông, đặc biệt là những người đồng hành tham dự Liên hoan và khán giả yêu nghệ thuật Múa cảm nhận được 23/30 đơn vị đã mang đến Liên hoan những gì tinh hoa nhất, với mặt bằng chất lượng được nâng cao một cách rõ rệt nhất.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh – Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan phát biểu ghi nhận những kết quả đạt được trong Liên hoan
Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan, các tiết mục tham dự Liên hoan là sự chắt lọc công phu, tâm huyết, vượt lên mọi khó khăn của các đơn vị quận, huyện, thị xã, mặc dù một năm phải hưởng ứng biết bao kỳ cuộc trong phong trào chung của Thủ đô. Để hiện diện trên sân khấu thời lượng 15 phút, các đơn vị phải bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của và cả công tác dân vận tập hợp quần chúng tham gia Liên hoan. Sự đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ làm công tác phong trào cơ sở các quận, huyện, thị xã mang đến cho phong trào nghệ thuật quần chúng của Thủ đô nói chung, phong trào Múa không chuyên nói riêng những màu sắc và thành công nhất định. Với mong muốn nâng cao chất lượng Liên hoan, Ban Tổ chức đã cố gắng phối hợp với đơn vị cơ sở là quận Long Biên để tổ chức tại Khu di tích đình Lệ Mật, nhằm tạo hơi thở mới trên địa bàn mới, tạo điều kiện cho các đơn vị, diễn viên, hạt nhân, nghệ nhân giao lưu, đồng thời tạo sự lan tỏa cho Liên hoan. Thay mặt Ban Tổ chức, Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao quận Long Biên trong việc tổ chức Liên hoan Cụm 1 tại cơ sở; cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình của các quận, huyện, thị xã để Liên hoan Nghệ thuật Múa không chuyên – Hà Nội năm 2023 thành công tốt đẹp.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh – Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan trao giải Nhất Chương trình cho huyện Thanh Trì
Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng trao giải Nhì Chương trình cho các đơn vị
Các đơn vị nhận giải Ba Chương trình
Các đơn vị nhận giải Khuyến khích (Phong trào)
Nhân dịp Tổng kết Liên hoan, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quyết định cấp Giấy chứng nhận và khen thưởng cho 26 giải tại Liên hoan Nghệ thuật Múa không chuyên – Hà Nội năm 2023, trong đó có 1 giải Nhất Chương trình, 10 giải Nhì Chương trình, 12 giải Ba Chương trình, 3 giải Khuyến khích (Phong trào). Cụ thể: Giải Nhất Chương trình thuộc về huyện Thanh Trì; giải Nhì Chương trình thuộc về quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, huyện Đông Anh, quận Ba Đình, quận Tây Hồ, quận Hai Bà Trưng, quận Nam Từ Liêm, quận Hoàn Kiếm, quận Hoàng Mai, quận Bắc Từ Liêm; giải Ba Chương trình thuộc về huyện Sóc Sơn, quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Quốc Oai, thị xã Sơn Tây, huyện Chương Mỹ, huyện Mỹ Đức, huyện Đan Phượng, huyện Thanh Oai, huyện Phú Xuyên, huyện Thường Tín, huyện Ứng Hòa; giải Khuyến khích (Phong trào) thuộc về quận Long Biên, quận Bắc Từ Liêm, huyện Gia Lâm.
Các tập thể và cá nhân nhận giải Chuyên đề của Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội
Ngoài ra, Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội cũng trao tặng các giải Chuyên đề cho tập thể và cá nhân đạt thành tích trong Liên hoan: Khen thưởng tập thể Múa huyện Thanh Trì; giải tiết mục Múa xuất sắc nhất cho tiết mục “Đời nón” – Biên đạo Múa Hải Trường – quận Cầu Giấy; giải tiết mục Múa có chủ đề về Hà Nội hay nhất cho tiết mục “Ngày trở về” – Biên đạo Múa Hoàng Hiệp – quận Hai Bà Trưng; giải diễn viên triển vọng cho diễn viên Thảo Nhi với tiết mục “Cánh chim đại ngàn” – quận Nam Từ Liêm; giải tiết mục được nhiều người yêu thích nhất cho tiết mục “Tiếng chuông ngày mới” – huyện Quốc Oai.
Sau Tổng kết Liên hoan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh triển khai một số nhiệm vụ công tác quý III năm 2023.
Mai Phương