Với mục đích tạo ra nhiều cơ hội để nhân dân Thủ đô, đặc biệt là các bạn trẻ được tìm hiểu, trải nghiệm cùng các di sản văn hoá phi vật thể, đồng thời góp phần quảng bá rộng rãi những hình ảnh, giá trị của di sản văn hoá phi vật thể Hà Nội tới đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, Sở VHTTDL Hà Nội đã phát động chương trình "Về nguồn – Trải nghiệm cùng Di sản Văn hoá phi vật thể ở Hà Nội xuân Ất Mùi" nhằm tiếp tục phát triển mô hình du lịch trải nghiệm trong du khách và người dân.
Chương trình "Về nguồn – Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội xuân Ất Mùi" là hoạt động tiếp nối sự thành công của cuộc thi "Khám phá các di sản thế giới ở Hà Nội – Thành phố vì Hòa bình" được tổ chức tháng 12/2014. Theo Ban tổ chức (BTC), chương trình lần này hướng tới đối tượng là các bạn học sinh, sinh viên đang sinh sống và học tập tại Hà Nội, đặc biệt là các bạn trẻ ở khu vực ngoại thành và khu vực sinh thái nơi có di sản. Tham gia chương trình, các bạn sẽ được tham gia vào 8 hoạt động trải nghiệm thực tế cùng các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Thủ đô như: Lễ hội truyền thống (hội phủ Tây Hồ, lễ hội đền Voi Phục), các làng nghề thủ công truyền thống (nón làng Chuông, nặn tò he) và các loại hình âm nhạc, diễn xướng dân gian (múa rối nước, ca trù, xẩm, chèo…).
Nặn tò he là một trải nghiệm thú vị nằm trong chương trình
"Về nguồn – Trải nghiệm cùng Di sản Văn hoá phi vật thể ở Hà Nội
Điểm nhấn của chương trình là BTC mời các tổ chức, cá nhân đang bảo tồn, thực hành những di sản văn hóa tham gia vào việc xây dựng kịch bản trải nghiệm, tổ chức hoạt động trải nghiệm. Việc này thể hiện sự đồng bộ, chuyên nghiệp trong cách thức tổ chức chương trình, và hơn hết là sẽ tạo nên những hoạt động trải nghiệm sát thực và sâu sắc dành cho các bạn trẻ. Các nội dung trải nghiệm bao gồm: Hoạt động làm quen với không gian trải nghiệm. Mỗi nhóm đăng ký tham gia trải nghiệm sẽ được hòa mình vào không gian của di sản và tham gia vào quá trình thực hành và tổ chức các hoạt động liên quan tới di sản như: Tham gia vào công tác tổ chức các lễ hội truyền thống; học tập các loại hình âm nhạc truyền thống như: ca trù, chèo, chầu văn, quan họ, xẩm, múa rối nước và thực hành làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như: tranh Đông Hồ, tò he Xuân La, gốm Bát Tràng…Ban Tổ chức sẽ sắp xếp phóng viên ảnh theo chân đoàn để ghi lại những khoảnh khắc trải nghiệm và xây dựng thành phóng sự riêng đăng trên chuyên trang "Về nguồn" của website www.hanoidep.vn. Kết thúc chuyến "Về nguồn", nhóm trải nghiệm sẽ nhận được thử thách từ BTC liên quan tới vấn đề "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng". Sau khi các hoạt động trải nghiệm kết thúc, BTC sẽ tổ chức Liên hoan để trình diễn kết quả và tạo cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các nhóm trải nghiệm…
Ca trù- hồn cổ Thăng Long
Các chuyến trải nghiệm được tổ chức đều đặn 1 chuyến/tuần và bắt đầu từ ngày 7/3 đến 10/5/2015. Các bạn trẻ muốn tham gia chương trình có thể thành lập nhóm và gửi đơn đăng ký về cho BTC theo địa chỉ email: Disanvanhoahanoi@gmail.com. Số lượng thành viên mỗi nhóm dao động từ 10- 20 người. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống sẽ do BTC đài thọ. Đối với các hoạt động trải nghiệm diễn ra tại khu vực nội thành Hà Nội, các nhóm tự lo phương tiện đi lại, BTC sẽ có chi phí hỗ trợ…
Múa rối nước
Theo nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm Nhạc Việt Nam- một trong những đơn vị phối hợp tổ chức chương trình thì cuộc phát động về nguồn lần này không chỉ là hoạt động văn hóa dân gian truyền thống giúp người tham gia cảm nhận và trải nghiệm các giá trị di sản mà còn là hoạt động rất bổ ích, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia bảo vệ và giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô và đất nước. Tiến sĩ Lưu Minh Trị- Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội cũng cho biết: Mô hình trải nghiệm của Sở VHTTDL Hà Nội cũng sẽ là một kinh nghiệm tốt để Phòng VHTT các quận, huyện, thị xã có thể triển khai học tập và nhân rộng để góp phần quảng bá giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội tới giới trẻ và đông đảo quần chúng nhân dân.
Phương Uyên