Sáng 19/9, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội khởi động Trưng bày trực tuyến “Trung thu sum vầy” tại website: hoangthanhthanglong.vn và trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn. Trưng bày nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, tình yêu thương mà ông bà, cha mẹ dành tặng cho các bạn nhỏ mỗi mùa Trung thu về, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn những diễn biến phức tạp.
Theo quan niệm dân gian, Tết Trung thu còn gọi là tết trông trăng, diễn ra vào ngày Rằm tháng 8 (âm lịch) hàng năm. Trung thu không chỉ là ngày tết của trẻ nhỏ mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau. Đêm Trung thu, cả gia đình quây quần bên mâm cỗ, trẻ con tổ chức rước đèn, thi đèn, múa sư tử, chơi trò chơi dân gian; người lớn thưởng trăng, ăn bánh, uống trà hoặc uống rượu sen Hồ Tây với ốc luộc tẩm lá gừng, chấm tương gừng hay ốc nhồi thịt lá gừng; một số nơi còn đi nghe hát trống quân. Năm nay, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn ra khá phức tạp, tết Trung thu có lẽ vì thế mà trở nên đặc biệt hơn vì nó đã trở về đúng nghĩa là tết của gắn kết tình thân, sẻ chia yêu thương.
Trưng bày trực tuyến “Trung thu sum vầy” gửi gắm những hình ảnh, câu chuyện về Trung thu truyền thống, xung quanh mâm cỗ Trung thu, ấm áp, giàu tình thân cùng những món đồ chơi trung thu đầy yêu thương mà ông bà cha mẹ dành tặng cho các bạn nhỏ mỗi mùa Trung thu về. Đó là, phỏng dựng mâm cỗ Trung thu truyền thống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20 dựa trên các tư liệu tranh vẽ, bút ký của Henri Oger, Nguyễn Tuân, Phan Kế Bính, Vũ Bằng… Trong mâm cỗ Trung thu, ông tiến sĩ giấy được đặt ở vị trí trang trọng nhất, thể hiện mong ước con cháu mình học giỏi, thành đạt. Tiếp đến là bánh Trung thu, thường có bánh dẻo, bánh nướng, bánh Tô Châu, đậu xanh, bánh nặn hình quả hình con giống từ bột nhuộm màu sặc sỡ cùng các sản vật mùa thu như cốm, hồng, na, chuối, bưởi, hạt dẻ…
Bên cạnh đó, trưng bày giới thiệu sự đa dạng của các món đồ chơi Trung thu truyền thống, được phục hồi theo lối cổ dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở khu phố cổ và các làng nghề ven kinh thành Thăng Long. Theo các nguồn tư liệu từ Bảo tàng Quai Branly (Cộng hòa Pháp); Viện Viễn Đông bác cổ Pháp… những năm đầu thế kỷ 20, ở Hà Nội đồ chơi Trung thu vô cùng phong phú, được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như giấy bồi, đất, bột, gỗ, đồ sắt tây, bông và giấy bóng kính.
Truy cập trưng bày trực tuyến, người xem còn được gặp gỡ Nhà sử học Lê Văn Lan qua các video clip nói chuyện về tết Trung thu truyền thống: Chủ đề Trung thu sum vầy trong bối cảnh dịch Covid-19; tục bày cỗ của người Hà Nội với các tích truyện đặc sắc như ông Lã Vọng câu cá, Tiến sĩ vinh quy, Người con hiếu thảo, tục rước đèn; Tục thưởng trăng của người Hà Nội…; cùng tìm hiểu về nghệ thuật làm thiên nga bằng bông, món đồ chơi Trung thu đặc sắc của người Hà Nội với nghệ nhân Quách Thị Bắc…
Thông qua hình thức trực tuyến, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội mong muốn truyền tải đến du khách những ý nghĩa quan trọng của ngày Tết Trung thu, giúp các em nhỏ và người thân của mình được trải nghiệm một mùa Trung thu sum vầy, an toàn và ngập tràn niềm vui đoàn viên.
Bình Dương