Từ ngày 15/7/2020 đến ngày 31/12/2020 vào các thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tổ chức chương trình “Ngày của gia đình” với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, hấp dẫn.
Đây là một trong nhiều hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa, khuyến khích “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bao gồm các hoạt động: 2 giờ vàng miễn phí; Trở về tuổi thơ; Ngày của gia đình; Vui hè: kỳ nghỉ khó quên. Chuỗi hoạt động cũng đồng thời nhằm tạo sân chơi vui vẻ, thư giãn, gắn kết các thành viên trong gia đình, cung cấp những thông tin bổ ích về văn hóa truyền thống, rèn kỹ năng sống cho các bạn trẻ trong dịp nghỉ hè.
Theo đó, “Ngày của gia đình” không chỉ đưa cả giá đình khám phá về văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á mà còn cùng tham gia tour đặc biệt tìm hiểu về nông cụ của một số dân tộc. Đây là tour trải nghiệm đầu tiên được bảo tàng tổ chức theo chủ để chuyên sâu với đa dạng các hoạt động nhằm tăng cường kỹ năng sống, gắn kết gia đình qua tìm hiểu văn hóa truyền thống. “Ngày của gia đình” sẽ đưa cả nhà bạn tham gia chuyến tham quan tìm hiểu về nông cụ của một số dân tộc; trải nghiệm làm người nông dân phơi thóc, gẩy rơm, quạt thóc, giã gạo; học cách pha các loại nước uống truyền thống (trà xanh, lá vối, lá nếp, râu ngô…); chơi thi gánh lúa qua cầu; làm đồ chơi bằng lá…
Hoạt động “2 giờ vàng” miễn phí vé vào cửa với tất cả khách tham quan 2 giờ vàng trong 2 tháng (1/7 -1/9/2020) từ 11h30 đến 13h30 vào thứ 3 và thứ 6 hằng tuần. Qua hoạt động này công chúng có cơ hội tìm hiểu văn hóa Việt Nam và thế giới tại các không gian trưng bày trong nhà và ngoài trời; khám phá những góc ảnh đẹp từ các kiến trúc dân gian độc đáo.
Từ ngày 1/7 đến 31/12/2020, khách tham quan có cơ hội chơi trò chơi dân gian miễn phí trong không gian rợp cây xanh của khu vườn kiến trúc qua hoạt động “Trở về tuổi thơ”. Đây là dịp, ông bà, cha mẹ quay về tuổi thơ để cùng hướng dẫn con em mình chơi trò chơi bằng những dụng cụ có sẵn của bảo tàng. Qua đó, tạo mối liên hệ gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, khuyến khích các bạn nhỏ tự chơi thường xuyên tại nhà. Đặc biệt, sau khi hoàn thành các trò chơi, du khách có cơ hội nhận ưu đãi khi tham gia gói “Ngày của gia đình”, “Vui hè, kỳ nghỉ khó quên”.
Vào dịp nghỉ hè từ ngày 15/7 đến 15/8/2020 (thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần), bảo tàng tổ chức chương trình “Vui hè: kỳ nghỉ khó quên” cho các em nhỏ. Trong bối cảnh bình thường mới, chương trình đã thiết kế những nội dung mới nhằm phục vụ các bạn trẻ một ngày hè ở bảo tàng với các trải nghiệm khó quên. Các em được làm việc độc lập, làm việc nhóm theo chủ đề làm người nông dân, nội trợ để thể hiện các kinh nghiệm dân gian, thể hiện khả năng bản thân qua tập làm hướng dẫn viên, hoạt náo viên, MC… Bên cạnh đó, bảo tàng còn hướng dẫn các em học về kỹ năng sinh tồn qua kiến thức dùng thuốc nam trong vườn để chữa bệnh hay cách dùng các nguyên liệu làm nhà thể hiện tri thức dân gian trong ứng xử với môi trường tự nhiên. Đặc biệt, một số kỹ năng ứng phó với dịch bệnh Covid-19 cũng sẽ được chia sẻ qua hoạt động tập thể, trò chơi team building. Đây là dịp để các em không chỉ khám phá bản thân, thể hiện bản thân mà còn học các kỹ năng sống từ những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày.
Bảo tàng có chính sách ưu đãi với những nhóm đăng kí trước ít nhất 5 ngày. Đặc biệt, đối với các công ty du lịch, trường học, tổ chức có số lượng khách lớn sẽ thiết kế những chương trình riêng theo yêu cầu thực tế. Đây là các chương trình ưu đãi nằm trong gói kích cầu du lịch nội địa của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Thông qua các hoạt động này, bảo tàng mong muốn tạo thành điểm tham quan hấp dẫn cũng như khuyến khích các gia đình, học sinh hình thành thói quen đến bảo tàng trong dịp hè và các ngày cuối tuần. Đồng thời đây cũng là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa bảo tàng, nhà trường và các công ty du lịch trong việc tạo ra các tour tham quan chất hượng cho học sinh và du khách. Hoạt động này góp phần quảng bá văn hóa, nâng cao sự hiểu biết, thái độ trân trọng, khích lệ ý thức gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa của thế hệ trẻ trong bối cảnh đương đại.
Bảo Nhi
Theo MaskOnline