“Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 6/6 tại Hoàng thành Thăng Long, nhằm bảo tồn, tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc nói chung và phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long.
Đoan Ngọ (Đoan Dương) là tết cổ truyền của Việt Nam và một số quốc gia Đông Á, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Ở Việt Nam, dân gian ta thường gọi là tết “giết sâu bọ”, với câu ca dao được lưu truyền từ xa xưa: “Tháng Tư đong đậu nấu chè/Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”.
Đây được xem là tết kỳ lạ nhất của người Việt với nhiều phong tục lễ nghi độc đáo. Sách Đồng Khánh địa dư chí chép: “Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là giết sâu bọ. Hôm ấy người ta hái các loại thuốc cất giữ để sử dụng, hái lá ngải tùy theo năm mà bó thành hình con vật tượng trưng của năm đó…”. Các nguồn sử liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Triều hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí… đều cho biết trong cung đình thời Lê, tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, Hoàng đế thực hiện một số nghi lễ như cúng tế các tiên tế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan… Tết Đoan Ngọ trong cung đình và ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tông, cầu sức khỏe, bình an, cầu mùa màng bội thu.
Nhằm bảo tồn, tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc nói chung và phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” trong chuỗi hoạt động nhân dịp Tết Đoan Ngọ 2024 và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Chương trình gồm có các hoạt động: Trưng bày về các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ trong cung đình ngày Tết Đoan Ngọ, thực hành hai nghi lễ đặc sắc ngày Tết Đoan Ngọ trong cung đình (nghi lễ cúng tế tổ tiên và nghi lễ ban quạt), thực hành phong tục dân gian “giết sâu bọ” và trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà.
Đoan Ngọ nghĩa là ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm. Thời khí mùa hạ nóng ẩm sinh ra các loài sâu bọ, vi trùng phát triển làm hại mùa màng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Để chống lại cái nóng và phòng dịch bệnh, cha ông ta có nhiều kinh nghiệm độc đáo như: Tục ăn trái cây, ăn bánh tro, ăn cơm rượu nếp, uống rượu hùng hoàng, xương bồ để “giết sâu bọ” trong người vào lúc sáng sớm; tục hái thảo mộc làm thuốc và làm trà vào giờ ngọ; tục đeo chỉ ngũ sắc, đeo túi thơm có đựng hạt mùi, bột hùng hoàng để xua đuổi côn trùng… Những phong tục này được tái hiện lại một cách chân thực và dung dị thông qua không gian thờ cúng và không gian trưng bày các loại thảo mộc, các loại túi thơm. Khu trưng bày đã làm gợi nhớ đến hình ảnh 2 khu phố cổ quen thuộc là Thuốc Bắc và Hàng Mụn.
Vào mỗi dịp tết Đoan Ngọ, người dân kinh thành Thăng Long xưa lại nhộn nhịp đi mua chỉ ngũ sắc, túi thơm trên phố Hàng Mụn về đeo cho trẻ con; đi mua lá thảo mộc về làm trà đun nước uống hàng, mua thảo dược về phòng bệnh…
Bên cạnh không gian trưng bày các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt trong cung đình cũng được diễn giải qua tranh vẽ và mô hình hiện vật phỏng dựng. Để chuẩn bị cho lễ ban quạt của nhà vua, triều đình đã giao: “Hộ phiên phát phái cho sáu cung Ngự dụng lĩnh tiền công giao cho xã Đào Xá làm và sơn”.
Đào Xá là làng của những người mang họ Đào, xưa làng chuyên làm quạt nên còn được gọi là Đào quạt. Thời Lê, làng thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, Hưng Yên. Thần hoàng làng là ông tổ nghề quạt Đào Tiến Công. Làng không chỉ làm các loại quạt thường bán cho các vùng thôn quê như quạt nan, quạt giấy dó phất cậy…, mà còn là nơi được triều đình chọn có những người thợ tài hoa làm ra được những chiếc quạt quí, với kỹ thuật tinh xảo, dành riêng cho vua, quan, quý tộc và thương nhân giàu có như quạt ngà, quạt đồi mồi, quạt gỗ quý… Sau này, người dân của làng di chuyển lên đất kinh kỳ làm và buôn bán quạt, lập lên phố Hàng Quạt ở kinh thành Thăng Long. Gian trưng bày một số loại quạt phỏng dựng của tầng lớp vua quan, quý tộc và các loại quạt thông thường của người dân giúp cho du khách có cái nhìn rõ hơn về văn hóa sử dụng quạt của người xưa.
Trong khuôn khổ chương trình, công chúng sẽ được trải nghiệm thực hành các nghi lễ cung đình như nghi lễ tiến phẩm dâng hương lên các vị tiên đế, nghi lễ ban quạt; trải nghiệm thực hành phong tục dân gian “giết sâu bọ” và giao lưu, trò chuyện cùng nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết.
Bên cạnh đó, còn có trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà cung đình. Trung tâm phối hợp với các nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng, Nguyễn Cao Sơn tổ chức các buổi trình diễn, giao lưu cùng du khách. Các nghệ nhân sẽ chia sẻ những câu chuyện hay, những bí quyết ướp trà, pha trà, thưởng trà đặc sắc… truyền tải tri thức, sự hiểu biết và niềm vui đến với du khách.
Chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” được khai mạc vào ngày 6/6 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
V.H