Sự kiện

Trao 55 giải tại Liên hoan Nghệ thuật Cựu chiến binh Thủ đô lần thứ VI – năm 2024

Được sự đồng ý của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hội Cựu chiến binh (CCB) Thành phố, chiều 26/12, Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết Liên hoan Nghệ thuật Cựu chiến binh Thủ đô lần thứ VI – năm 2024.

Liên hoan Nghệ thuật Cựu chiến binh Thủ đô lần thứ VI – năm 2024 với chủ đề “Mãi mãi là bộ đội Cụ Hồ” thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944–22/12/2024), 35 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam (6/12/1989 – 6/12/2024).

Liên hoan phát động từ tháng 3/2024, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đơn vị. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã quan tâm chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao, ban, ngành liên quan tại địa phương phối hợp với Hội CCB triển khai tổ chức tốt Liên hoan từ cấp cơ sở và tuyển chọn các tiết mục đặc sắc, tiêu biểu tập luyện tham gia Liên hoan cấp Thành phố, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong quần chúng Nhân dân.

Liên hoan có nhiều màu sắc trình diễn mang tính nghệ thuật

Chung khảo Liên hoan cấp Thành phố diễn ra từ ngày 1/12 – 4/12/2024, có 30 đơn vị quận, huyện, thị xã tham gia; mỗi đơn vị dự thi 1 Chương trình Ca múa nhạc, thuộc các thể loại: Đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, đồng ca hợp xướng, múa độc lập, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ… có nội dung ca ngợi Việt Nam, đất nước, con người; ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; ca ngợi Thủ đô Hà Nội – Thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; ca ngợi hình ảnh và phẩm chất tốt đẹp của lực lượng CCB trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Tại Hội nghị tổng kết Liên hoan, Nhà báo, Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh – Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội – Trưởng Ban giám khảo đánh giá về chất lượng nghệ thuật cho rằng, ở góc độ chuyên môn, nhạc sĩ bày tỏ lòng biết ơn đối với sự đóng góp của các đơn vị quận, huyện, thị xã; sự đóng góp của các CCB và có cả thế hệ trẻ tiếp nối, mang đến những chương trình nghệ thuật hết sức đặc sắc. Về tổng thể nói chung, Liên hoan có nhiều màu sắc trình diễn mang tính nghệ thuật và có sự đầu tư công phu từ dàn dựng, phối khí, lựa chọn tác phẩm, trang phục cũng như hiệu quả vang lên trên sân khấu.

Bên cạnh các đơn vị tham gia Liên hoan có những tiết mục rất tốt thì một số đơn vị lại chưa đầu tư kỹ lưỡng để chuẩn bị cho Liên hoan những tiết mục mới mẻ nhất, đặc sắc nhất nhưng vẫn giữ vững truyền thống người lính Cụ Hồ, đặc biệt là những bài ca đi cùng năm tháng, có sức sống vượt không gian và thời gian tiếp tục vang lên trên sân khấu âm nhạc. Nhạc sĩ mong muốn có những sáng tác mới viết về đề tài này, bởi trong cuộc sống vẫn đang lan tỏa hình ảnh CCB tiếp tục đóng góp cho cộng đồng.

Nhạc sĩ cũng lưu ý một số đơn vị cần rút kinh nghiệm trong chọn bài, phối khí, dàn dựng, trang phục chưa rõ vùng miền, chưa phù hợp với tác phẩm trình diễn trên sân khấu; tỷ lệ nghệ sĩ trẻ tham gia; việc đi lại trên sân khấu chưa chỉn chu… Nếu rút kinh nghiệm được thì Chương trình tham gia Liên hoan thành công hơn nữa.

Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết Liên hoan

Đánh giá về công tác tổ chức Liên hoan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh – Phó trưởng Ban thường trực Liên hoan cho biết, đây là cuộc Liên hoan thứ 2 trong năm 2024 có sự tham gia đầy đủ của 30 đơn vị, giống như Liên hoan Nghệ thuật quần chúng “Hà Nội – Niềm tin và hy vọng”, đã mang lại thành công rất lớn. Đáng mừng là những người lính Cụ Hồ khi trở về cuộc sống đời thường rất trách nhiệm, yêu đời và có đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú. Điều này thể hiện trong Liên hoan từ cấp cơ sở, có những nơi tổ chức rất tốt từ cấp Chi hội CCB, xã, phường; có nhiều nơi tổ chức rất tốt cấp quận, huyện. Quy mô, chất lượng của mỗi đơn vị có sự khác nhau.

Theo đồng chí Lý Thị Thúy Hạnh, từ Liên hoan cấp cơ sở đã có được Chung khảo Liên hoan cấp Thành phố của 30 đơn vị hết sức quy mô, hoành tráng, tính nghệ thuật cao, phong phú, đa dạng. Liên hoan có sự phối hợp chặt chẽ của Hội CCB Thành phố và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trực tiếp là Trung tâm Văn hóa Thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Hội CCB quận, huyện, thị xã đã triển khai chu đáo Liên hoan. Đặc biệt Hội CCB quận Hà Đông còn phân công lực lượng CCB đến cổ vũ cho các diễn viên rất đáng khích lệ. Biểu diễn trên sân khấu có hay không, hào sảng không nhờ rất nhiều vào sự cổ vũ của khán giả.

Đồng chí Lý Thị Thúy Hạnh ghi nhận đơn vị huyện Chương Mỹ dù bị ảnh hưởng cơn bão số 3 nhưng vẫn vượt lên khó khăn để tham gia, góp vào thành công chung của Liên hoan.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Sử – Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Hà Nội trao giải A Chương trình

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh trao giải B Chương trình

Trao giải C Chương trình

Trao giải Khuyến khích Chương trình

Trao giải Khuyến khích Phong trào cơ sở xuất sắc

Trao giải Khuyến khích Chuyên đề: Tiết mục tốp ca xuất sắc

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Sử – Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Hà Nội – Đồng Trưởng Ban tổ chức Liên hoan nhận định, Liên hoan có số lượng diễn viên tham gia gần 3.000 người, với 30 chương trình nghệ thuật, 150 tiết mục, tạo cho các đêm diễn hết sức đa dạng về thể loại, chất lượng nghệ thuật cao, phong phú về nội dung. Thiếu tướng biểu dương các đơn vị quận, huyện có lực lượng tham gia 100% là hội viên CCB như: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Mê Linh.

Thiếu tướng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội giúp cho Liên hoan thành công tốt đẹp.

Nhân dịp tổng kết Liên hoan, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quyết định cấp Giấy chứng nhận và khen thưởng cho 55 giải tại Liên hoan Nghệ thuật Cựu chiến binh Thủ đô lần thứ VI – năm 2024, trong đó có 2 giải A Chương trình, 10 giải B Chương trình, 10 giải C Chương trình, 8 giải Khuyến khích Chương trình, 10 giải Khuyến khích Phong trào cơ sở xuất sắc, 15 giải Khuyến khích Chuyên đề.

Giải A (giải Nhất) Chương trình: Quận Tây Hồ, huyện Ba Vì.

Giải B (giải Nhì) Chương trình: Quận Bắc Từ Liêm, quận Hoàn Kiếm, quận Nam Từ Liêm, quận Hai Bà Trưng, quận Ba Đình, quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy, huyện Gia Lâm, huyện Sóc Sơn, quận Hoàng Mai.

Giải Khuyến khích Chuyên đề:

Đơn vị có số lượng Cựu chiến binh tham gia đông nhất – quận Cầu Giấy.

Tiết mục ấn tượng: Hòa tấu kèn “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” – quận Hai Bà Trưng; Múa hát “Khúc cầu mùa” – huyện Thạch Thất.

Bảo tồn Nghệ thuật truyền thống: Đơn ca chèo “Miền quê ơn Đảng” – diễn viên Xuân Vui – huyện Mỹ Đức.

Tiết mục tự biên hiệu quả: Sáng tác của Nhạc sĩ Võ Vang – quận Thanh Xuân.

Tiết mục dàn dựng sinh động: Hợp ca “Non sông ngàn năm gấm vóc” – quận Hà Đông; tốp ca nam hoạt cảnh “Hò kéo pháo” – huyện Phúc Thọ.

Tiết mục đơn ca xuất sắc: “Tổ quốc gọi tên mình” – diễn viên Nguyễn Thế Tuyền – huyện Thường Tín; “Lá đỏ”- diễn viên Quang Tuấn – quận Ba Đình.

Dàn dựng Chương trình hiệu quả – Nguyễn Đức Tài – quận Bắc Từ Liêm.

Tiết mục tốp ca xuất sắc: “Cảm xúc tháng 10″ – quận Hoàng Mai; “Thiên sử vàng Thăng Long – Hà Nội” – huyện Đan Phượng; “Qua miền Tây Bắc – Giải phóng Điện Biên” – huyện Thanh Oai; “Lời tạm biệt trước lúc lên đường” – huyện Đông Anh.

Tiết mục song ca xuất sắc: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” – diễn viên Thành Minh – Hoài Mơ – huyện Chương Mỹ./.

Ngọc Trâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *