Vui chơi - Giải trí

Tre mùa thu 3: Hành trình từ Thị Mầu đến nàng Carmen

Cuối tuần này, khán giả mộ điệu những âm thanh tre nứa của dàn nhạc Sức sống mới và dàn hợp xướng quốc tế Hà Nội Voices sẽ có dịp thưởng thức hai buổi biểu diễn của họ vào 20h ngày 19, 20/10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Nhạc mục hấp dẫn

Bước vào mùa diễn thứ ba, Tre mùa thu đã định hình cho khán giả cuộc hành trình âm nhạc rất riêng của mình. Dẫn dắt khán giả đi từ những tác phẩm Việt Nam cho đến những tác phẩm âm nhạc Pháp, qua hình thức thể hiện từ hợp xướng, dàn nhạc tre nứa cho đến khách mời solo một cách dễ hiểu nhất bằng ngôn ngữ âm nhạc đã được chuyển soạn cho dàn nhạc tre nứa.

Còn với khán giả, sau những ngạc nhiên, bất ngờ, ngỡ ngàng hay trầm trồ ở lần diễn đầu tiên, kiểu như : tại sao những ống tre đơn giản lại có thể chơi nhạc của Mozart, C.Saint-Saëns, J.Offenbach, Claude Debussy thì cho đến nay, dường như họ chỉ háo hức chờ đón những đêm diễn định kì thường niên của dàn nhạc.

Trong đêm Tre mùa thu 3 sẽ có khá nhiều tác phẩm dự báo sẽ gây ấn tượng đặc biệt đến người nghe như Chim Pơ-rô-tốc gọi mùa (dân ca Đắc Lắk), Đi cắt lúa (dân ca H’rê), Cantique de Jean Racine (Gabriel Fauré), Ah! Je veux vivre – extrait de “Romeo et Juliette” (Charles Gounod), Carmen với Aragonaise, Intermezzo, Habanera. Bên cạnh đó còn có Bésame Mucho (Consuelo Velázquez), Libertango (Astor Piazzolla)…

Phối khí độc đáo

Nếu nói điểm đặc biệt nhất của Tre mùa thu chính là sự trải nghiệm đôi tai với những âm thanh của nhạc cụ tre nứa trong các tác phẩm cổ điển quốc tế thì để làm nên diện mạo “độc nhất vô nhị” đó cho dàn nhạc thuần tre Việt, thực sự là một thử thách đến “mất ăn, mất ngủ” với Đồng Quang Vinh. Hơn cả là khi anh phải đảm nhiệm cùng lúc rất nhiều vai trò: phối khí, chuyển soạn, biên soạn, biên tập âm nhạc, trình diễn nhạc cụ, chỉ huy dàn nhạc. Nhưng Đồng Quang Vinh đã “xuất chúng” khi tạo ra một không gian của sự tối giản về phương thức tiếp cận âm nhạc từ cổ điển đến hiện đại mà vẫn giữ được “thần – hồn” của từng tác phẩm.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh

Với đặc tính nhạc cụ của dàn nhạc tre nứa, không hề dễ dàng khi thể hiện những chuyển động giai điệu mang tính mềm mại, uyển chuyển hay thậm chí là nhấn nhá. Vậy nhưng Tre mùa thu đã từng thể hiện rất tốt qua sự kết hợp giữa đàn tranh, sáo trúc với dàn nhạc tre nứa trong các tác phẩm như Bèo dạt mây trôi hay Mẹ yêu con.

Đến với chương trình này, sự xuất hiện của đàn bầu chơi cùng dàn nhạc trong Carmen hứa hẹn sẽ tiếp tục khẳng định khả năng chuyển tải “không hạn định” của Tre mùa thu.

Nói về Carmen – vở nhạc kịch kinh điển của Georges Bizet sẽ chiếm hẳn 1/3 thời lượng chương trình với các trích đoạn: Aragonaise – trước màn 4, Intermezzo – trước màn 3, Habanera: Hồi 1, aria (Carmen), Tình yêu là một chú chim bất trị, Điệu nhảy du mục – Hồi 2, Gypsy dance – Lục lạc leng keng, chỉ huy Đồng Quang Vinh không chỉ tự hào rằng, Tre mùa thu đã làm nên một phiên bản chỉ có một trên thế giới dành cho tác phẩm này, mà anh còn rất hào hứng khi tìm thấy sợi dây kết nối giữa chất liệu của nhạc cụ truyền thống Việt Nam: cây đàn bầu đối với hình tượng nhân vật Carmen.

Người xưa có câu: “Là thân con gái, chớ nghe đàn bầu” – phản ánh sức hút mãnh liệt đến siêu lòng của đàn bầu. Nhưng hơn thế, tôi còn thấy cả sự quyến rũ rất “chất” của đàn bầu, mà nói hơi “đời” một chút, thì đó là sự lẳng lơ như Thị Mầu của người Việt. Còn ở châu Âu, đó là sự phóng khoáng, khát khao một tình yêu tự do tựa như tính cách của nàng Carmen. Hình tượng từ nàng Thị Mầu sang cô Carmen, tôi thấy gần lắm, cứ như họ là “hàng xóm” của nhau hoặc giả như, đó chỉ là hai tính cách trong một con người mà mình muốn biểu đạt trong phần trình diễn này. Cho đến khi đưa đàn bầu kết hợp với giọng mezzo soprano trong phân đoạn Habanera, tôi thấy không có một nhạc cụ nào có thể ăn ý hơn thế” – nhạc trưởng Đồng Quang Vinh tiết lộ.

Văn hóa đặc sắc

Và ẩn giấu trong những âm sắc, âm thanh độc đáo của nhạc cụ tre nứa, Tre mua thu 3 sẽ còn làm nên một bức tranh đời sống văn hóa châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng sinh động từ thời Phục hưng, lãng mạn, đến thế kỉ XX.

Như trong Tourdion của Pierre Attaingnant, người ta có thể lạc lối vào không gian của những quán rượu thời phục hưng đầy ắp tiếng nói, cười của người lao động sau giờ làm. Họ cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn một cách tự nhiên và chân thật mà nếu có say cũng không dễ nói lời mất lý trí – văn hóa uống rượu của người Pháp ý nhị và “chừng mực” là như thế.

Hay ở một không gian âm nhạc khác, người ta lại trở nên lặng thinh trước sự trang nghiêm trong một giáo đường với tác phẩm Cantique de Jean Racine (Gabriel Fauré). Ở đây, dù là khúc cầu hồn nhưng Fauré đã mang đến lời cầu nguyện màu hồng trên thiên đường, rất lãng mạn.

Ngay cả với Carmen, một tác phẩm đậm chất hiện thực hay những tác phẩm không đến từ nước Pháp như Bésame Mucho (Consuelo Velázquez) và nhiều tác phẩm của các tác giả khác có mặt trong chương trình, cũng sẽ vẫn thể hiện được những tâm hồn bay bổng trong thế giới nội tâm phong phú của người Pháp.

Chọn cho mình con đường làm nên một tổng thể hòa quyện âm thanh mà không đặt “nặng – nhẹ” bất cứ phần trình diễn nào, bố cục thể hiện sự tương phản liên tục ở tính chất âm nhạc giữa các tác phẩm, thời kì, Tre mùa thu đã và đang làm nên một chương trình không “một màu” thể hiện nhưng vẫn nhất quán về nội dung.

Điều đó chắc hẳn sẽ làm “khó” khán giả khi vote cho phần trình diễn nào ấn tượng nhất. Nhưng trên hết, sẽ là điều thú vị khiến họ phải mong chờ đến mùa thu tiếp theo.

VHP

Thời gian: 20h – Thứ Sáu ngày 19/10/2018 và 20h – Thứ Bảy ngày 20/10/2018
Địa điểm: Hội trường L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *