Về các nhóm nhiệm vụ để triển khai thi hành Luật Thủ đô trong lĩnh vực văn hóa thể thao cũng như tại quận Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, cần tuyên truyền, phổ biến thống nhất về nội dung Luật Thủ đô 2024 trên toàn các đơn vị; rà soát từng lĩnh vực để xác định các nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết…
Chiều 6/8/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn có cuộc làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Hoàn Kiếm, triển khai Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024. Tham dự cuộc làm việc có lãnh đạo các Ban của HĐND Thành phố: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế – Ngân sách, Ban Văn hóa – Xã hội, Ban Đô thị; Các chuyên gia xây dựng Luật Thủ đô, Ban Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Thủ trưởng các phòng, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở; UBND quận Hoàn Kiếm.
Quang cảnh Hội nghị
Ảnh: Công Thọ
Sáng 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm 7 chương với 54 điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Ngay sau đó, Thành phố đã chủ động ban hành Kế hoạch 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 về triển khai thi hành Luật Thủ đô. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thi hành luật; triển khai tổng thể cả 3 nghị định, thực hiện 96 nhiệm vụ…
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tính đến nay, HĐND thành phố có hơn 20 Nghị quyết về lĩnh vực văn hóa và thể thao; UBND thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động văn hoá, thể thao. Luật Thủ đô 2024 là cơ hội để ngành văn hóa và thể thao tiếp tục tham mưu cho HĐND và UBND TP ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy lĩnh vực này ngày càng phát triển.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị
Ảnh: Công Thọ
Ngay khi có Kế hoạch 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 của Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ động xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô của Sở Văn hóa và Thể thao và phụ lục phân công nhiệm vụ chi tiết, với mục đích tổ chức thi hành Luật bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các phòng, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật.
Cụ thể, trên cơ sở nội dung nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 của UBND Thành phố, Sở Văn hoá và Thể thao được giao 06 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố và 04 nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố:
2.1. Nội dung quy định chi tiết Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố: 06 nội dung
(1) Quy định biện pháp ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế; đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp (khoản 2, Điều 21).
(2) Quy định đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Thành phố đối với trường hợp sau đây (khoản 5, Điều 21):
– Người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể
– Việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
– Vận động viên, huấn luyện viên tham gia đào tạo, huấn luyện tại các bộ môn thể thao thành tích cao, tập huấn đội tuyển thể thao thành tích cao của Thành phố, đội tuyển thể thao thành tích cao quốc gia.
– Đào tạo, bồi dưỡng vận động viên trở thành huấn luyện viên, trọng tài viên quốc gia, quốc tế.
– Vận động viên, huấn luyện viên, người hoạt động nghệ thuật bị tai nạn, suy giảm sức khỏe do đào tạo, huấn luyện, thi đấu, biểu diễn nghệ thuật; vận động viên, huấn luyện viên, người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được học nghề mới, chuyển nghề khi không còn đáp ứng yêu cầu thi đấu, huấn luyện, hoạt động nghệ thuật.
(3) Quy định mức thưởng bổ sung đối với huấn luyện viên, vận động viên lập thành tích tại giải thể thao thành tích cao, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tặng giải thưởng cao của khu vực và quốc tế (khoản 6, Điều 21).
(4) Quy định chi tiết thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý đối với trung tâm công nghiệp văn hóa và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hoá sử dụng nguồn lực của Thành phố (khoản 7, Điều 21).
(5) Quy định chi tiết về khu phát triển thương mại và văn hóa; ban hành Quy chế mẫu của khu phát triển thương mại và văn hóa (khoản 8, Điều 21).
(6) Quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm; giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố (Điểm a, khoản 1, Điều 33).
Về nội dung quy định chi tiết Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố: 04 nội dung.
(1) Rà soát đề xuất bổ sung quy hoạch chung Thủ đô, đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê về việc xây dựng các tuyến đê mới, việc sử dụng bãi sông, bãi nổi theo quy định của Luật Thủ đô (Khoản 2 Điều 17, khoản 7 Điều 21, Điểm a khoản 3, điều 31).
(2) Đề án xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch (Khoản 7, Điều 21).
(3) Đề án thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa (Khoản 7, Điều 21).
(4) Danh mục dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hoá (Điểm a, khoản 1 Điều 43).
Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng Kế hoạch triển khai tuyên truyền của Sở về Luật Thủ đô bằng các hình thức như: sổ tay hỏi đáp, tổ chức hội nghị, đăng trên trang thông tin điện tử của sở và các đơn vị….; Lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố và UBND Thành phố. Tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu về các nội dung của Luật Thủ đô. Tổ chức các đoàn khảo sát đi học tập mô hình kinh nghiệm ở trong nước và nước ngoài….
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại Hội nghị
Ảnh: Công Thọ
Về phía quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long cho biết, hiện nay quận đang triển khai đồng thời 2 nội dung. Thứ nhất là triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết, thứ 2 là phát triển giao thông xanh gắn với đánh giá, phân luồng, tổ chức lại giao thông trên địa bàn. Một trong những kết quả nổi bật của Hoàn Kiếm thời gian qua là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các phường đã cho những kết quả hết sức tích cực.
Chuyên gia phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Ảnh: Công Thọ
Tại cuộc làm việc đại diện các sở ngành, đơn vị, các đại biểu, chuyên gia tham dự đã nêu nhiều ý kiến triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã trực tiếp giải đáp các ý kiến, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị để lập đề án trình Thành phố nhằm triển khai những nội dung của Luật trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn thông tin, Thường trực HĐND thành phố dự kiến tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề của HĐND thành phố để xem xét, quyết định các nội dung quy định chi tiết và cơ chế, chính sách để triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024. Dự kiến 1 kỳ họp tổ chức trong tháng 11/2024.
Về các nhóm nhiệm vụ để triển khai thi hành Luật Thủ đô trong lĩnh vực văn hóa thể thao cũng như tại quận Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, cần tuyên truyền, phổ biến thống nhất về nội dung Luật Thủ đô 2024 trên toàn các đơn vị; rà soát từng lĩnh vực để xác định các nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết.
Cần phát động phong trào thi đua đưa Luật Thủ đô 2024 sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phục vụ phát triển Thủ đô theo đúng định hướng Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đức Minh