Tin trong nước

Triển khai nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND về việc triển khai thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2021.

Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015 là kế hoạch của Hà Nội.
Giai đoạn 2018-2021: Thành phố phấn đấu đạt 257 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi đầu tư, chi thường xuyên và tự đảm bảo chi thường xuyên. Trong đó: Đợt 1: Phấn đấu đạt 197 đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính (trong đó nâng tự chủ thêm 96 đơn vị). Đợt 2: Phấn đấu nâng thêm 61 đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính.
Các đơn vị sự nghiệp công lập nâng mức tự chủ tài chính sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn như: Được quyết định số lượng người làm việc; được chủ động quyết định việc sử dụng nguồn tài chính, tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động của đơn vị để nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức, người lao động.
Xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thị xã và các đơn vị sự nghiệp trong việc triển khai thực hiện, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chỉ tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành TW về việc nâng mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.


Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm thay đổi và nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận ở các cấp, các ngành, các đơn vị sự nghiệp và toàn xã hội góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tiến độ nâng mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Phân định rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao với hoạt động kinh doanh dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo nguyên tắc: Đối với các dịch vụ thiết yếu thì nhà nước bảo đảm kinh phí, đối với các dịch vụ cơ bản thì nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện; đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng; đối với các dịch vụ khác thì đẩy mạnh thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, huy động sự tham gia cung ứng của các thành phần kinh tế.
Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công theo hướng nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời cần gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy.
Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới định mức kinh tế kỹ thuật đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí (trừ dịch vụ sự nghiệp công đã ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật và đơn giá); Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, né tránh hoặc không thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Chủ động rà soát phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, trường hợp đơn vị không có danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách và không đảm bảo nguồn thu để đáp ứng chi thường xuyên, thực hiện rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sắp xếp tổ chức lại, giải thể các đơn vị hoặc chuyển đổi các đơn vị sang đơn vị ngoài công lập, doanh nghiệp.
Tập trung chỉ đạo các bộ phận tham mưu rà soát và khai thác các nguồn thu sự nghiệp, giảm và tiết kiệm chi thường xuyên để xây dựng phương án nâng mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tăng dần qua các năm và đảm bảo hoàn thành trước hoặc theo lộ trình.
Nâng cao chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của đơn vị; ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài chính, tài sản công, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; hoàn thiện chế độ kế toán, thực hiện chế độ kiểm toán, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính của đơn vị.
Chủ động sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đảm bảo bộ máy tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học – công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.

Minh Châu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *