Triển lãm

Triển lãm 100 tác phẩm Thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Với 100 tác phẩm của các nhà Thư pháp trên cả nước, đây là lần đầu tiên Triển lãm Thư pháp chủ đề “Truyền kinh chính học” được tổ chức tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc tử Giám. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 được khai mạc vào sáng 23/11.

Các đại biểu cắt băng khai mạc và tham quan Triển lãm.

Thư pháp xưa nay vốn là nghệ thuật của đường nét của các loại hình văn tự. Với đặc trưng sử dụng mực nho, kết hợp các yếu tố kỹ thuật điều khiển ngọn bút lông, từng đường từng nét con chữ tung hoành biến hóa sinh động, ly kỳ trên giấy tạo nên một chỉnh thể tác phẩm thư pháp hài hòa và mang những đặc điểm nghệ thuật rất riêng biệt. Thư pháp Hán Nôm ở Việt Nam được đánh giá là một trong bộ môn nghệ thuật có bề dày lịch sử với chiều sâu nội hàm. Qua từng thời kỳ, hình thức thể hiện thư pháp được phân chia theo các thể chữ như Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo với những đặc trưng, tiêu chí thẩm mỹ rất rõ ràng. Sự xuất hiện của thư pháp Quốc ngữ là một bước chuyển đột phá, mang tính sáng tạo trong nghệ thuật thư pháp của dân tộc. Chiều sâu ý nghĩa và đặc trưng đường nét rất riêng của chữ Hán Nôm, sự sáng tạo trong việc thể hiện các con chữ Latinh theo lối cổ, sự tài hoa của người thể hiện, tất cả những điều đó thống nhất tạo nên những tác phẩm thư pháp rất giàu cảm xúc và thẩm mỹ.

 

Triển lãm lần này có sự tham gia của các nhà Thư pháp trên cả nước và quốc tế.

Triển lãm thư pháp Truyền kinh chính học giới thiệu đến công chúng 100 tác phẩm thư pháp trên cơ sở nội dung là các trước tác thơ, văn của Chu Văn An và 17 vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám-các học quan đứng đầu Quốc Tử Giám. Họ đều là các bậc sĩ phu tài cao, đức trọng, được triều đình lựa chọn từ hàng ngũ các bậc danh nho, đại thần uy tín. Thơ, văn của họ thấm đẫm tình người, chứa chan tình yêu quê hương, đất nước, là cơ sở để các tác giả phóng tác tác phẩm thư pháp được trưng bày trong Triển lãm Thư pháp lần này. Ngoài các tác phẩm thư pháp, Triển lãm còn giới thiệu tới công chúng tóm tắt thân thế, sự nghiệp của Tư nghiệp Chu Văn An và 17 vị đã từng đảm nhiệm chức Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Triển lãm có sự kết của cả Thư pháp Hán Nôm và Thư pháp quốc ngữ.

TS Lê Xuân Kiêu – GĐ Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám phát biểu tại lễ khai mạc khẳng định: Triển lãm Truyền kinh chính học lần đầu tiên được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, đây là hoạt động được tổ chức với quy mô lớn với sự tham gia rộng rãi của các câu lạc bộ Thư pháp không chỉ của địa bàn Hà Nội mà rất nhiều nhà Thư pháp trên cả nước tham dự. Triển lãm có sự kết nối giữa các nhà Thư pháp của cả 3 miền, sự kết nối giữa Thư pháp Hán Nôm và Thư pháp quốc ngữ.

TS Lê Xuân Kiêu – GĐ Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám phát biểu tại lễ khai mạc.

Ông Phạm Văn Ánh – đại diện các tác giả có tác phẩm tham dự Triển lãm chia sẻ: kể từ năm 1919, khoa cử chữ Hán đã chính thức bị bãi bỏ trong phạm vi cả nước. Từ đây, chữ quốc ngữ dần dần thay thế địa vị của chữ Hán và chữ Hán Nôm chỉ còn được truyền dạy trong một phạm vi tương đối nhỏ hẹp. Dù vậy, chữ Hán Nôm gắn với những yếu tố văn hoá truyền thống của dân tộc nên dòng mạch của chữ Hán Nôm cùng với Thư pháp Hán Nôm vẫn chưa bao giờ bị đứt đoạn. Sự tham gia của đông đảo các tác giả trong cuộc Triển lãm ngày hôm nay cũng là một trong những minh chứng cho điều đó. Triển lãm ngoài bộ phận Thư pháp Hán Nôm còn có sự hiện diện của tác phẩm Thư pháp quốc ngữ. Thư pháp quốc ngữ là một hiện tượng chung ở các nước Đông Á trong giai đoạn chuyển đổi hệ hình và đây là sự nỗ lực tìm tòi, thể hiện và đồng thời cũng là sự cố gắng để đưa Thư pháp đến gần hơn với công chúng đương đại. Chủ đề của Triển lãm lần này là “Truyền kinh chính học”: Truyền kinh nghĩa là truyền thụ kinh điển, suy rộng ra truyền thụ tri thức nói chung; Chính học là làm chính lại sự học, suy rộng ra nghĩa là làm cho sự học được chính đáng và thích dụng với xã hội. Qua Triển lãm mong muốn gửi tới người xem thông điệp ý nghĩa về truyền thống hiếu học của nhân dân ta từ xưa tới nay.

Tham gia triển lãm lần này có nhiều nhà thư pháp hội tụ từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước, ở cả hai loại hình thư pháp, Thư pháp Hán Nôm và Thư pháp Quốc ngữ. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 23/12/2019 tại sân Thái Học, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám (số 58 Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội).

Hân Hân

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *