Thông qua triển lãm, người xem thêm hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người Thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta. Đặc biệt là tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Người dành cho các tầng lớp Nhân dân, trong đó có nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Ngày 08/10/2022, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội”. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 35 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất” (1987 – 2022) và kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022). Triển lãm diễn ra từ 08/10/2022 – 13/10/2022.
Với hơn 150 hình ảnh, bản trích và hàng chục hiện vật, đầu sách quý liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, triển lãm giới thiệu hai nội dung chính: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội” và “Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới”.
Nội dung “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội” là những câu chuyện, hình ảnh, bài viết, bài nói chuyện, kỷ niệm, tình cảm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Nội. Kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã có 73 bài viết riêng về Thủ đô và Nhân dân Hà Nội.
Nội dung “Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới” khẳng định công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc; thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của Nhân dân Việt Nam và tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân thế giới với Người. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 700 di tích, 30 tượng đài, quảng trường và hơn 100 công trình tưởng niệm Bác Hồ. Với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết, mẫu mực, thủy chung; là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức; cầu nối của tình đoàn kết, hữu nghị. Tại 22 quốc gia (Nga, Pháp, Cu Ba, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Thái Lan…) đã có 35 công trình tưởng niệm, di tích lưu niệm, trường học, con đường, công viên, bảo tàng, tượng đài… mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Thông qua triển lãm, người xem thêm hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người Thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta. Đặc biệt là tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Người dành cho các tầng lớp Nhân dân, trong đó có nhân dân Thủ đô Hà Nội. Ở Thủ đô, dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in bóng tại nhiều công trường, khu phố, trận địa; đến với các gia đình chính sách có công với cách mạng, công nhân lao động… từ đô thị đến ngoại thành. Từ Tết Ất Mùi (1955) trở đi, gần như năm nào Người cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội. Hằng tháng ít nhất một lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian nghe các đồng chí lãnh đạo Hà Nội báo cáo tình hình và thường xuyên đi thăm các xí nghiệp, trường học, bệnh viện, xóm làng ngoại thành…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song tấm lòng, tình cảm, lời dặn dò tâm huyết và những chỉ dẫn kịp thời của Người đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô trong những năm tháng cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó cũng chính là ánh sáng soi đường, cổ vũ, động viên cán bộ và Nhân dân Thủ đô trên những chặng đường cách mạng, để một Hà Nội với bề dày truyền thống lịch sử luôn được bảo tồn và phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước Việt Nam đổi mới và hội nhập; luôn là niềm tin yêu, hy vọng của Nhân dân cả nước.
Đức An