Nhằm tôn vinh giá trị di sản của tranh dân gian Hàng Trống cũng như các dòng tranh dân gian Việt Nam khác, chiều 20/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống”.
Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển nghề làm tranh dân gian, làm cho nghề làm tranh truyền thống Việt Nam trở nên cực thịnh một thời. Theo thời gian, có những dòng tranh phát triển mạnh mẽ, có dòng tranh dần bị mai một, nhưng những giá trị to lớn của mỗi dòng tranh vẫn còn tồn tại. Trong đó, dòng tranh dân gian Hàng Trống là một ví dụ. Hiện nay, theo nghiên cứu, còn duy nhất gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên nắm giữ bí quyết làm tranh Hàng Trống.
Tại triển lãm, 50 bức tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên được trưng bày, phục vụ công chúng tham quan theo các chủ đề: “Tranh thờ”, “Tranh Tết”, “Tranh thế sự”. Đặc biệt, Triển lãm đã dành một không gian trải nghiệm ứng dụng công nghệ xử lý hình ảnh ở thời gian thực – Realtime – trong nhận diện hình ảnh, giúp khách tham quan được tương tác với các tác phẩm. Hình ảnh của mỗi khách tham quan sẽ được công nghệ Realtime tạo ra nét vẽ và tạo ra các hình ảnh phát sinh theo đường nét của tranh Hàng Trống. Vì vậy, khách tham quan sẽ được trải nghiệm hình ảnh của chính mình trong một bức tranh dân gian Hàng Trống.
Cùng với triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống”, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức gặp mặt kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2004 – 23/11/2019), nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, thời gian qua, nhiều hoạt động được tổ chức để di sản văn hóa Thủ đô ngày càng phát huy giá trị, có sức sống bền vững như: Công tác huy động các nguồn lực cho tu bổ, tôn tạo di tích; xây dựng các tiêu chí đạt chuẩn cấp thành phố của điểm du lịch làng nghề, di tích; các hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản; lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội, di sản ẩm thực đã phát huy được giá trị văn hóa độc đáo… Để đạt được những kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ và nhiều tổ chức, cá nhân yêu di sản.
20 năm qua, Hà Nội đã gìn giữ, phát huy các giá trị của danh hiệu Thành phố vì hòa bình, tạo nên sức hấp dẫn riêng có của Thủ đô. Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn – thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Ngày 30/10/2019, Tổng Giám đốc UNESCO đã ký Quyết định công nhận Hà Nội là thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới.
Bảo Nhi
Theo MaskOnline