Chiều 30/10, tại di tích đình Nam Hương (75 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã khai mạc triển lãm “Từ truyền thống tới truyền thống” trưng bày các tác phẩm sơn mài và lụa được lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian Hàng Trống.
Lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh dân gian Hàng Trống đang dần mai một, dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” là một nỗ lực đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng các chất liệu truyền thống khác trong nền hội hoạ Việt Nam, đó là sơn mài và lụa.
Dự án là cơ hội để nhóm sinh viên được tuyển chọn từ chuyên ngành sơn mài và lụa thuộc Khoa Hội hoạ, trường Đại học Mỹ thuật Việt nam có thể tiếp xúc trao đổi và học hỏi từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống, nghệ nhân Lê Đình Nghiên.
Trong vòng 1 tháng các bạn sinh viên tham gia dự án đã có cơ hội tiếp thu khám phá trực tiếp từ những trải nghiệm thực tế với nghệ nhân Lê Đình Nghiên, cũng như đề xuất những phương án sáng tạo tiếp các tác phẩm lấy cảm hứng từ chính dòng tranh Hàng Trống. Thậm chí, nhiều tác phẩm đã lấy chính không gian ngôi đình Nam Hương toạ lạc trên phố Hàng Trống làm cảm hứng.
Mỗi tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Từ truyền thống tới truyền thống” là những phương án ứng tác, từ những tác phẩm mang xu hướng thiết kế cho đến những tác phẩm mang tính thử nghiệm có khả năng tương tác cao chứa đựng những suy tư về giá trị di sản của văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại.
Phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết: Triển lãm “Từ truyền thống tới truyền thống” gắn với dòng tranh dân gian Hàng Trống xuất hiện từ khoảng 400 năm trước đây với 2 dòng tranh chính là tranh thờ và tranh Tết. Những dòng tranh này hiện đang bị mai một nếu không được bảo tồn và phát huy. Và các hoạt động này vừa là nỗ lực của thế hệ trẻ nhằm phát huy giá trị không gian văn hoá di tích, vừa có ý nghĩa khôi phục, quảng bá văn hoá truyền thống đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Với thời gian trưng bày gần 2 tháng (từ 30/10 đến 20/12), cuộc trưng bày lần này sẽ có thể kích thích sự quan tâm của giới trẻ cũng như của cộng đồng trước những vấn đề sống còn của các giá trị di sản văn hoá nói chung cũng như của nghệ thuật tranh dân gian Hàng trống nói riêng.
Nhật Linh