Sáng 12/12, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức ra mắt Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt” nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024).
Đến dự ra mắt Trưng bày có Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương – Lão thành cách mạng, Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng; ông Phạm Văn Phi – Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; thân nhân gia đình các vị tướng.
Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt” giới thiệu những dấu mốc lịch sử của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam trên chặng đường 80 năm hình thành và phát triển. Góp phần vào những thành công chung của lực lượng Quân đội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, có sự đóng góp của các chiến sỹ cách mạng từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù. Sau khi thoát khỏi các nhà tù thực dân, trải qua những năm tháng rèn luyện, chiến đấu gian khổ, nhiều đồng chí đã trở thành vị tướng của lòng dân.
Trưng bày gồm 3 nội dung: “Những dấu mốc lịch sử”; “Bền gan vững chí”; ”Ký ức không phai”
Ở nội dung “Những dấu mốc lịch sử” gồm những tư liệu, hình ảnh, hiện vật, khẳng định, sau gần 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam. Trước yêu cầu thực tiễn, Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Cao Bằng. Dưới cờ đỏ sao vàng, 10 lời thề danh dự quyết tâm chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng đã vang lên. Chỉ ba ngày sau khi được thành lập, Đội đã chiếm trọn hai đồn địch là Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu cho những chiến thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này. Gắn liền với từng thời điểm lịch sử, tên gọi của lực lượng Quân đội có sự thay đổi. Dù với tên gọi nào, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu”.
Nội dung “Bền gan vững chí” thể hiện, lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam ghi dấu tấm gương của nhiều chiến sỹ cách mạng từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù, trại giam: Hỏa Lò, Nam Định, Sơn La, Lao Bảo, Côn Đảo… Bằng ý chí, nghị lực được tôi luyện trong “ngục lửa”, khi ra chiến trường, các vị tướng càng quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong cách đánh, đoàn kết trong đấu tranh.
Trưng bày đã giới thiệu thân thế, sự nghiệp của 9 vị tướng với tài năng, đức độ, có đóng góp công lao to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc:
*Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013): Sinh tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm 1930, khi tham gia phong trào học sinh yêu nước, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà lao Thừa Phủ (Huế). Năm 1944, đồng chí là Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Năm 1947 – 1954, đồng chí là Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy của các chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Với trách nhiệm trước sinh mạng của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ và hàng triệu người dân, Đại tướng đã quyết định tạm dừng ngày mở màn chiến dịch, cho kéo pháo ra để chuẩn bị kỹ hơn, đồng thời chuyển từ chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Năm 1955 – 1975, đồng chí giữ nhiều chức vụ: Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Sau khi đất nước thống nhất (1975), đồng chí là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được mệnh danh là người “Anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị Tổng Tư lệnh “văn võ song toàn”.
* Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 – 1967): (Nguyễn Vịnh), sinh tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Cuối năm 1938 đến tháng 3/1945, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam nhiều lần ở các nhà lao: Thừa Phủ (Huế), Lao Bảo, Buôn Ma Thuột.
Năm 1948, với cương vị Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4, đồng chí đã cùng Phân khu ủy phát động chiến tranh nhân dân, làm nên thắng lợi trên Mặt trận Bình – Trị – Thiên.
Năm 1950 – 1967, đồng chí là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam… Là một vị tướng của trận mạc, trải qua mặt trận Điện Biên Phủ khói lửa, nơi tuyến đầu đánh Mỹ, đồng chí còn là vị tướng của các phong trào. Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, các phong trào thi đua yêu nước ở cả nông nghiệp và Quân đội đã được đẩy mạnh. Đồng chí đã góp công tạo nên những đổi thay trên đồng ruộng Việt Nam.
Trưng bày thu hút sự quan tâm của công chúng
* Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917 – 2002): Sinh tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Năm 1939 – 1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam tại các nhà tù: Hỏa Lò, Sơn La, Bắc Ninh.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, đồng chí giữ chức Cục trưởng Cục Chính trị (nay là Tổng cục Chính trị). Tháng 1/1951, đồng chí là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng bằng). Từ tháng 11/1953 đến năm 1978, đồng chí là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 7/1954, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Quân sự Trung Giã.
Năm 1955 – 1975, đồng chí tham gia chỉ đạo Chiến dịch đường 9 Nam Lào (1971); Chiến dịch Trị – Thiên (1972); Chiến dịch Tây Nguyên (1975)… Đồng chí là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Với tài thao lược xuất chúng, với cách đánh sáng tạo, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã góp phần làm nên thắng lợi của nhiều chiến dịch trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi đất nước thống nhất (1975), đồng chí giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1980 – 1986). Từ đây, tâm trí, sức lực của Đại tướng được dồn vào việc xây dựng Quân đội, bảo vệ và xây dựng đất nước. Cả cuộc đời hoạt động, phấn đấu không mệt mỏi, khi nghỉ hưu, Đại tướng dùng thời gian còn lại để tổng kết kinh nghiệm chiến tranh và lịch sử quân sự Việt Nam.
* Thượng tướng Đinh Đức Thiện (1914 – 1987): (Phan Đình Dinh), sinh tại xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam nhiều lần ở các nhà tù: Nam Định (1930 – 1931, 1940), Hỏa Lò (1940 – 1941). Sống trong cảnh tù đày khắc nghiệt ở Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí luôn lạc quan, vượt lên những khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động truyên truyền cách mạng ở trong tù.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, đồng chí giữ chức Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Bắc Giang. Năm 1945 – 1954, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Thường vụ Liên Khu ủy Việt Bắc; Cục trưởng, Bí thư Đảng ủy Cục Vận tải; Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần…
Năm 1955 – 1975, đồng chí là Phó Chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần; Bộ trưởng Bộ Cơ khí – Luyện kim; Chủ nhiệm, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật; Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh… Sau khi đất nước thống nhất (1975), đồng chí là Bộ trưởng phụ trách Tổng cục Dầu khí, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng… Thượng tướng Đinh Đức Thiện là người có nhiều công lao xây dựng ngành Vận tải quân sự, đặc biệt là tuyến đường ống xăng dầu Bắc – Nam dài hơn 5.000km, kịp thời chi viện cho chiến trường và bộ đội tác chiến trong các chiến dịch.
* Thượng tướng Song Hào (1917 – 2004): (Nguyễn Văn Khương), sinh tại xã Hào Kiệt, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tham gia cách mạng, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 7 năm tù, giam tại các nhà tù: Hỏa Lò, Nam Định, Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu. Tháng 10/1944, đồng chí vượt ngục Chợ Chu thành công. Sau Cách mạng tháng 8/1945, đồng chí là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách liên tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên.
Năm 1945 – 1954, đồng chí giữ các chức vụ: Chính ủy Khu 10, Khu Tây Bắc; Bí thư Ban Cán sự bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Thượng Lào; Chính ủy Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên phong); Ủy viên Ban Liên hợp đình chiến thi hành Hiệp định Geneva tại Việt Nam. Sinh trưởng trong lòng Hà Nội khói lửa, tham gia kháng chiến lâu dài, Đại tá Song Hào – Chính ủy Đại đoàn 308, Bí thư Đại đoàn ủy đã cùng cán bộ, chiến sỹ chiến đấu oanh liệt, chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, giữ vững lời thề năm xưa.
Năm 1955 – 1975, đồng chí giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Kiểm tra của Quân ủy Trung ương. Sau khi đất nước thống nhất (1975), đồng chí là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thương binh – Xã hội (nay là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Thượng tướng Song Hào là một trong những nhà chỉ huy tài năng, có nhiều đóng góp cho công tác Đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam.
* Trung tướng Vương Thừa Vũ (1910 – 1980): (Nguyễn Văn Đồi), sinh tại làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Năm 1941 – 1945, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam tại các nhà tù: căng Bá Vân (Thái Nguyên), Hỏa Lò, Nghĩa Lộ (Yên Bái). Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, đồng chí cùng bạn tù phá ngục, trở về với cách mạng.
Năm 1946 – 1954, đồng chí giữ các chức vụ: Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của Đại đoàn 308 – Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam… Tháng 10/1954, đồng chí được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội cùng Đại đoàn 308 về tiếp quản Hà Nội. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ với cương vị Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 đã được nhân dân Thủ đô đón mừng trong ngày trở về.
Năm 1955 – 1975, đồng chí giữ nhiều chức vụ: Tư lệnh Quân khu Hữu ngạn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện Quân chính, Tư lệnh Quân khu 4… Trung tướng Vương Thừa Vũ không chỉ tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn trong các cuộc kháng chiến cứu quốc mà còn có nhiều công lao, kỷ niệm gắn bó với Hà Nội từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến.
Cùng hát vang bài “Hát mãi khúc quân hành”
* Trung tướng Vũ Xuân Chiêm (1923 – 2012): Sinh tại xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Năm 1940 – 1945, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam ở các nhà tù: Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo.
Năm 1947 – 1954, đồng chí là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thừa Thiên, Phó Bí thư Thành ủy Huế, Phó Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần). Đồng chí tham gia các chiến dịch: Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1955 – 1975, đồng chí là Cục trưởng Cục Chính trị, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chính ủy Bộ Tư lệnh Đoàn 559 – Bí thư Đảng ủy Đoàn 559. Đồng chí Vũ Xuân Chiêm luôn lắng nghe tâm tư của các cán bộ, chiến sỹ; tổ chức những buổi sinh hoạt tư tưởng; phát động không khí học tập trong ngành Hậu cần. Trên tuyến đường Trường Sơn, khi thấy bệnh sốt rét rừng hoành hành, đồng chí rất lo lắng và triển khai các giải pháp ngăn chặn nạn dịch. Sau một thời gian tập trung điều trị dứt điểm bệnh sốt rét, chữa trị theo phác đồ, kết hợp với công tác vệ sinh phòng dịch, sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ được nâng lên rõ rệt.
Sau khi đất nước thống nhất (1975), đồng chí làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Là cán bộ chủ chốt của ngành Hậu cần quân đội, Trung tướng Vũ Xuân Chiêm đã cùng với tập thể cấp ủy, chỉ huy của Tổng cục Hậu cần đảm bảo kịp thời về nhân lực, vũ khí, hậu cần cho chiến trường miền Nam, cùng quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
* Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907 – 1967): (Phạm Văn Phu), sinh tại xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm 1930, đồng chí tham gia phong trào đấu tranh đòi quyền sống của 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng (Bình Phước), làm nên “Phú Riềng Đỏ” lịch sử. Đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam gần 8 năm ở các nhà tù: Côn Đảo, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hỏa Lò.
Khi bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí được anh em tin tưởng bầu làm Trưởng ban sinh hoạt, tổ chức các hoạt động công khai của tù chính trị. Ngày 9/3/1945, nhân cơ hội Nhật đảo chính Pháp cướp quyền quản lý Nhà tù Hỏa Lò. Tối ngày 12/3/1945, đồng chí Trần Tử Bình cùng một số tù chính trị khác đã tổ chức vượt ngục bằng cách chui theo đường cống ngầm. Những ngày sau, hơn 100 tù chính trị đã vượt ngục thành công bằng con đường này. Là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8/1945 ở Hà Nội và một số tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
Năm 1946 – 1958, đồng chí giữ các chức vụ: Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Quân đội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kiêm Tổng Thanh tra Quân đội. Năm 1959, đồng chí làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc kiêm Đại sứ tại Mông Cổ. Trong đợt sắc phong quân hàm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1948), đồng chí Trần Tử Bình được thụ cấp hàm Thiếu tướng.
* Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương sinh năm 1920, tại phường Cẩm Phô, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Năm 1939 – 1945, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam tại các nhà tù: Cẩm Phô – Quảng Nam, Phủ đường (Điện Bàn), Nhà lao Quảng Nam, Vĩnh Điện, Trại an trí Ly Hy (Tây Thừa Thiên), Nhà lao Thừa Phủ (Huế), Trại giam Phú Bài. Trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, đồng chí là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam.
Năm 1945 – 1954, đồng chí là Chính ủy Trung đoàn 93 Quảng Nam, Trung đoàn 76 Quảng Ngãi; Trưởng đoàn Đại biểu Tiểu ban Liên hiệp đình chiến Liên khu 5, Trong suốt 300 ngày đấu tranh thi hành hiệp định, bằng những lý luận sắc bén, đồng chí đã buộc đối phương phải thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản đã ký kết.
Năm 1955 – 1975, đồng chí giữ các trọng trách: Phó Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, Phó Chính ủy Quân khu Tây Bắc, Chính ủy Mặt trận Cánh đồng Chum, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận 959, Chính ủy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Cánh đồng Chum, Chính ủy Quân tình nguyện và Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, Chính ủy Quân khu 4…
Sau khi đất nước thống nhất (1975), đồng chí là Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Phó Chính ủy kiêm Phó Tư lệnh Quân khu 2. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương đã đi cùng lực lượng quân đội từ những ngày đầu thành lập cho tới hôm nay.
Ở nội dung “Ký ức không phai” nhấn mạnh, phía sau vẻ bề ngoài mạnh mẽ, cương nghị của các vị tướng luôn là sự gần gũi, sẻ chia với các đồng đội, đồng chí. Nơi chiến trường khốc liệt, những lúc yên bình sau tiếng súng, các vị tướng lại tranh thủ gửi trọn yêu thương qua những dòng thư, món quà nhỏ… về cho gia đình. Kỷ niệm về các vị tướng vẫn mãi là ký ức không phai trong tâm trí của người thân và đồng đội.
Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt” giúp công chúng thêm thấu hiểu sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh và những đóng góp của các vị tướng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trưng bày cũng góp phần bồi đắp niềm tự hào dân tộc, từ đó giúp thế hệ trẻ hôm nay càng thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Ông Võ Điện Biên, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Dự ra mắt Trưng bày, ông Võ Điện Biên, con trai cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động chia sẻ: “Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày tôn vinh các vị tướng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là một sáng kiến hợp lý. Xem lại những hình ảnh, tư liệu, kỷ vật của ba tôi và các vị tướng khác, tôi xúc động vô cùng. Nhiều bạn trẻ không nghĩ Hỏa Lò là nơi cần đến, nhưng tôi nghĩ các bạn nên đến Hỏa Lò để hiểu thêm về lịch sử, từ đó sống có trách nhiệm hơn trong thời đại mới, sống làm sao cho xứng đáng với sự đóng góp, hy sinh to lớn của cha ông”.
Ông Trần Việt Trung, con trai Thiếu tướng Trần Tử Bình
Ông Trần Việt Trung, con trai Thiếu tướng Trần Tử Bình cảm nhận: “Dấu ấn tinh thần mà Nhà tù Hỏa Lò làm rất ít nơi làm được. Tôi đi nhiều nước khác thấy nhà tù không có được giá trị tinh thần và sống được như ngày hôm nay. Đặc biệt, tôi nhìn thấy các bạn ở Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã làm, thu hút thanh niên đến rất nhiều, khiến tôi rất tự hào. Thanh niên đã trở lại lịch sử của chúng ta rồi. Thiếu tướng Trần Tử Bình là một nhà cách mạng. Cuộc đời của cha tôi gắn liền với bước đi của cách mạng Việt Nam. Nay tôi đứng đây với các bạn, chứng kiến thế hệ sau này đang tôn vinh những nhà cách mạng, nhà quân sự, tôi thấy thấm thía và cảm ơn sự nhiệt tình đóng góp của các bạn trong lĩnh vực văn hóa của Hà Nội”.
Chiến sĩ Phạm Tiến Đạt
Là thế hệ trẻ, chiến sĩ Phạm Tiến Đạt công tác tại Đội nghi lễ, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Hà Nội tự hào nói: “Ngày hôm nay tôi đến đây với tinh thần háo hức, mong chờ . Bản thân tôi rất xúc động khi chứng kiến sự đóng góp, hy sinh to lớn của các vị tướng lĩnh. Điều đó để lại trong tôi sự kính trọng, biết ơn. Sau ngày hôm nay, khi tôi trở về đơn vị, tôi nghĩ bản thân mình và các chiến sĩ khác sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để góp phần nhỏ bé xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng vững mạnh”…
Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt” diễn ra từ ngày 12/12/2024 đến hết ngày 28/2/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)./.
Mai Chi