Tin ngành

Trưng bày chuyên đề “Một thoáng di sản” ra mắt vào ngày 1/7 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Trưng bày bước đầu giới thiệu tư liệu, hình ảnh về 25 di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến và địa điểm lưu niệm sự kiện của Hà Nội…

Dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ ra mắt Trưng bày chuyên đề “Một thoáng di sản” vào ngày 1/7/2024, nhân kỷ niệm 25 năm ngày Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình (16/7/1999 – 16/7/2024).

Trưng bày chuyên đề “Một thoáng di sản”

Trưng bày bước đầu giới thiệu tư liệu, hình ảnh về 25 di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến và địa điểm lưu niệm sự kiện của Hà Nội, như:

Khu Đấu xảo: Do chính quyền thực dân Pháp xây dựng năm 1899 – 1902 trên đại lộ Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo), Hà Nội, là nơi triển lãm và tổ chức hội chợ trưng bày sản phẩm của Việt Nam, Pháp cùng nhiều nước trên thế giới. Sau đó, địa điểm này được dùng làm Bảo tàng Nông nghiệp, Thương nghiệp và Công nghiệp. Từ năm 1920, Bảo tàng mang tên của Toàn quyền Đông Dương – Maurice Long. Ngày 1/5/1938, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, tại đây diễn ra cuộc mít tinh công khai của 25.000 người đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ.

Năm 1940, khi xâm chiếm Đông Dương, quân đội Nhật dùng tòa nhà chính làm doanh trại. Năm 1945, tòa nhà bị bom Mỹ phá hủy. Sau năm 1954, khu đất trống được sử dụng làm Nhà hát nhân dân; đến năm 1985, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô được khánh thành. Năm 2005, nơi đây được gắn biển Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Hiện nay, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô là nơi tổ chức các hội chợ, chương trình nghệ thuật, các hội nghị lớn trong nước và quốc tế.

Nhà số 90 phố Thợ Nhuộm: Nơi làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời, nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng năm 1930. Tại Hội nghị Trung ương Đảng (10/1930), đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên. Năm 1964, Nhà số 90 phố Thợ Nhuộm được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay, đây là nơi trưng bày tài liệu, hiện vật liên quan đến đồng chí Trần Phú và là trụ sở của Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội.

Nhà số 5D phố Hàm Long: Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tháng 3/1929. Sau khi ra đời, Chi bộ đã kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng và chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản. Năm 1964, Nhà số 5D phố Hàm Long được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật gắn liền với sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên.

Nhà số 101 phố Trần Hưng Đạo: Là trụ sở của Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban Khởi nghĩa) tháng 8/1945. Tại đây, Thành ủy, Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã có những ngày làm việc khẩn trương và đề ra những chỉ thị, chủ trương lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô đi đến thắng lợi. Hiện nay, Nhà số 101 phố Trần Hưng Đạo là trụ sở của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Nhà hát Lớn Hà Nội: Do chính quyền thực dân Pháp xây dựng năm 1901 – 1911. Sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đây là nơi họp Quốc hội cho đến khi có Hội trường Ba Đình (1962). Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Hà Nội tổ chức lễ ra mắt trước quốc dân tại Nhà hát Lớn. Từ năm 1954 cho đến nay, Nhà hát Lớn luôn là trung tâm tổ chức các cuộc họp, hội nghị quan trọng và các buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Năm 2011, công trình được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Quảng trường Cách mạng Tháng Tám: Trước đây là Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, rộng 2.600m2 – nơi diễn ra hai cuộc mít tinh vào ngày 17/8 và 19/8/1945 của Nhân dân. Đặc biệt, cuộc mít tinh ngày 19/8/1945 đã chuyển thành biểu tình thị uy và khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền tại Hà Nội. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945), nhiều sự kiện quan trọng được tổ chức tại Quảng trường như: Khai mạc Tuần lễ vàng, tổ chức ngày Nam Bộ kháng chiến, phát động Cứu đói… Năm 1994, Quảng trường được đặt tên là Cách mạng Tháng Tám. Năm 2011, cùng với Nhà hát Lớn, Quảng trường được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Bắc Bộ Phủ: Trước đây là Phủ Thống sứ Bắc Kỳ do chính quyền thực dân Pháp xây dựng, gồm tòa nhà văn phòng (xây dựng năm 1898) và tòa Phủ Thống sứ (xây dựng năm 1918). Sau khi đảo chính Pháp (9/3/1945), Nhật đổi tên thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ. Ngày 19/8/1945, Nhân dân Hà Nội và các đơn vị tự vệ chiến đấu tiến vào chiếm Phủ Khâm sai. Ngày 20/8/1945, tòa nhà được đổi tên thành Bắc Bộ Phủ, là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 12/1946, tại Bắc Bộ Phủ diễn ra trận đánh ác liệt giữa quân Pháp và đơn vị Vệ Quốc đoàn. Trở lại xâm lược, thực dân Pháp đã đổi tên thành Phủ Thủ hiến Bắc Việt. Năm 1954, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản Thủ đô, tòa nhà văn phòng được sử dụng làm trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tòa Phủ Thống sứ trở thành Nhà khách Chính phủ. Năm 2005, công trình được gắn biển Di tích cách mạng kháng chiến.

Nhà số 48 phố Hàng Ngang: Là nhà của vợ chồng nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ, được Trung ương Đảng chọn làm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội cuối tháng 8/1945. Tại đây, Người cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại, về thành phần của Chính phủ mới và tổ chức ngày lễ Độc lập…

Ở một căn phòng trên tầng hai của ngôi nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1979, Nhà số 48 phố Hàng Ngang được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay, nhà là nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian viết Tuyên ngôn Độc lập và họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Quảng trường Ba Đình: Thuộc khu vực cửa Tây thành Thăng Long dưới thời Nguyễn. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp cho phá thành, làm vườn hoa Puginier. Đầu tháng 8/1945, vườn hoa được đổi tên là Ba Đình. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các vùng phụ cận đã về đây dự lễ Độc lập. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, đã trở thành không gian thiêng liêng của đất nước.

Phủ Chủ tịch: Trước đây là Dinh Toàn quyền Đông Dương, do chính quyền thực dân Pháp xây dựng năm 1900 – 1907. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), nơi đây trở thành Dinh Toàn quyền Nhật. Năm 1946, khi trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã sử dụng làm Dinh Quốc trưởng. Tháng 10/1954, sau khi Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản Thủ đô, Dinh trở thành Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón các đoàn khách trong nước và quốc tế, nơi họp Hội đồng Chính phủ. Tòa nhà nằm trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch, năm 2009 được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Phủ Chủ tịch là nơi làm việc của Chủ tịch nước, nơi tiếp đón các nguyên thủ quốc gia, các quan chức cấp cao trên thế giới đến thăm Việt Nam.

Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 (Nay là Nhà lưu niệm Bác Hồ) tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông: Nguyên là nhà của ông Nguyễn Văn Dương. Tại đây, Người đã viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Trong hai ngày 18/12 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, thông qua Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Đảng và Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Năm 1975, nhà được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay, đây là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc và viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

Nhà tù Hỏa Lò (Nhà tù Trung ương Hà Nội): Do chính quyền thực dân Pháp xây dựng năm 1896 – 1899, để giam các chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Năm 1946, khi trở lại xâm lược, thực dân Pháp tái chiếm Nhà tù Hỏa Lò. Năm 1954, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản nơi đây. Năm 1964 – 1973, Nhà tù được dùng để giam phi công Mỹ bị bắt khi ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam.

Năm 1997, phần còn lại (2.434m2) của Nhà tù được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay, Di tích Nhà tù Hỏa Lò là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho Nhân dân Việt Nam, điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Cầu Long Biên: Được xây dựng năm 1898 – 1902, bắc qua sông Hồng, dài 1.682m. Trước năm 1945, cầu được đặt tên là Doumer, do Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho xây dựng. Năm 1945, cầu Long Biên đổi tên thành Long Biên. Tháng 10/1954, đây là nơi những lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội để Quân đội nhân dân Việt Nam vào tiếp quản Thủ đô.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cầu Long Biên đóng vai trò quan trọng trong con đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì thế, cầu Long Biên trở thành trọng điểm bắn phá ác liệt của không quân Mỹ. Năm 2014, cầu Long Biên được gắn biển Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Hiện nay, cầu Long Biên tiếp tục được sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân hai bờ sông Hồng.

Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài): Được xây dựng năm 1805 – 1812 dưới thời nhà Nguyễn. Trải qua hơn 200 năm lịch sử, Cột cờ gắn liền với bao thăng trầm của Thủ đô. Sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công và sau ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Quốc kỳ luôn được treo trên đỉnh Cột cờ. Chiều ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ chào cờ tại đây. Cột cờ nằm trong Di tích lịch sử và khảo cổ khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2009.

Các di tích: Pháo đài Láng; Chợ Đồng Xuân; Di tích Hội nghị Quân sự Trung Giã; Bốt Hàng Trống; Tòa án Hà Nội; Ngân hàng Đông Dương chi nhánh Hà Nội; Trụ sở Bộ Ngoại giao; Ga Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai; Hồ Hữu Tiệp; Nhà và hầm D67 – Hoàng thành Thăng Long, cũng được giới thiệu chi tiết, sinh động tại Trưng bày.

Trưng bày góp phần nhắc nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, người dân đã chiến đấu vì nền độc lập tự do của dân tộc và dựng xây Hà Nội – Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình.

Thiết kế Trưng bày có sự kết hợp hài hòa giữa hai gam màu chủ đạo là xanh và vàng: Màu xanh tượng trưng cho hiện tại, hy vọng, sáng tạo; màu vàng biểu trưng cho quá khứ, lịch sử. Không gian Trưng bày với các chi tiết uốn lượn mềm mại, tạo hình ảnh “Con đường di sản”, nổi bật trên đó là những nét vẽ bay bổng, minh họa cho các di sản của Hà Nội… hy vọng giúp công chúng yêu thích tìm hiểu lịch sử cảm nhận được vẻ đẹp, giá trị và ý nghĩa của các di tích.

Trưng bày chuyên đề “Một thoáng di sản” diễn ra từ ngày 1/7-15/9/2024 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

Thảo Nhi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *