Cuối tuần qua, Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức khai mạc “Hội Xuân Giáp Thìn 2024” với nhiều hoạt động phong phú, trong đó có nhiều triển lãm linh vật rồng độc đáo.
“Hội Xuân Giáp Thìn 2024” giới thiệu đến khách tham quan các triển lãm trưng bày lấy cảm hứng từ linh vật rồng, như Triển lãm “Vũ điệu Bách Long” với 100 sản phẩm gốm của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên – TP Hải Phòng; Triển lãm tranh vẽ rồng của họa sĩ Hoàng Trúc trên chất liệu mo cau, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỉ lục là bộ sưu tập tranh chủ đề “Hóa Rồng” vẽ trên chất liệu mo cau nhiều nhất ở Việt Nam; Triển lãm tranh “Rồng và Hoa” của họa sĩ Nghiêm Diệp Anh gồm 40 bức tranh bột màu…
Triển lãm “Vũ điệu Bách long” gồm 100 tác phẩm gốm phù điêu của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên, thể hiện 100 vũ điệu của linh vật rồng chào đón năm Giáp Thìn. Mỗi tác phẩm được mô tả ở một tư thế khác nhau, biểu hiện các thần thái của rồng, gắn với những nét đặc trưng trong truyền thống và văn hóa của người Việt, thể hiện khát vọng, sức sống mãnh liệt của tinh thần Việt.
100 tác phẩm rồng độc bản mang linh khí, phong thái, vẻ đẹp kỳ bí và phóng khoáng, lấy nước men Hỏa Biến làm chủ đạo để tạo nên nhiều màu sắc khác lạ, ẩn chứa sự sáng tạo tinh xảo trên từng đường nét điêu khắc đắp nổi đã thể hiện rất sinh động sự uy dũng nghiêm trang nhưng cũng rất mềm mại uyển chuyển của linh vật rồng.
Tham gia “Hội Xuân Giáp Thìn 2024”, họa sĩ Hoàng Trúc mang đến 600 tác phẩm vẽ rồng trên chất liệu mo cau được lựa chọn từ 2024 bức đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỉ lục là Bộ sưu tập tranh chủ đề rồng vẽ trên chất liệu mo cau nhiều nhất ở Việt Nam. Bộ sưu tập tranh vẽ rồng trên mo cau là sự kết hợp của tình yêu hội họa cùng mong muốn gửi thông điệp về bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Triển lãm tranh “Rồng và Hoa” của họa sỹ Nghiêm Diệp Anh gồm 40 tranh bột màu với gam màu tươi sáng, thể hiện cảm quan của họa sỹ về mùa Xuân khi cây cối đâm chồi, nảy lộc, tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển và sự mạnh mẽ, uyển chuyển của linh vật rồng mang đến phúc khí, may mắn chào đón năm Giáp Thìn, gửi gắm niềm tin và hy vọng một năm mới tràn đầy hạnh phúc, thịnh vượng.
Bên cạnh các triển lãm về rồng, Hội Xuân còn giới thiệu đến công chúng không gian trưng bày “Tinh hoa từ trời đất”, trưng bày sản phẩm gốm của làng nghề Hương Canh (Vĩnh Phúc), Giang Cao (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), với nhiều chủng gốm đa dạng, chất lượng và độc đáo; Khu trưng bày “Chợ phiên Di sản” giới thiệu không gian Trà Việt, trưng bày sản phẩm của các địa phương gắn với phát triển du lịch di sản văn hóa…
BTC cũng giới thiệu 20 thiết kế được nghiên cứu, phỏng dựng lại từ triều phục cổ với hình ảnh rồng thêu trên long bào, mãng bào và bộ sưu tập áo dài “Vân long lưu vũ” gồm áo dài trên chất liệu tơ tằm khai thác hình tượng mỹ thuật cổ về rồng thời Lý, Trần và Nguyễn;
Cùng với các không gian trưng bày, bán hoa, cây cảnh, Hội Xuân còn có các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ khách mua sắm Tết và tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc mừng Xuân Giáp Thìn trong suốt thời gian diễn ra.
“Hội Xuân Giáp Thìn 2024” diễn ra đến hết ngày 01/02/2024 (mở cửa hàng ngày từ 8h00 – 21h30) tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
V.H
ảnh: BTC