Sự kiện

Trưng bày sách, báo “Vang mãi bản hùng ca Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và Giao lưu “Nhân chứng – Sự kiện”

Sáng ngày 14/12, Thư viện Hà Nội phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao quận Đống Đa tổ chức Trưng bày sách, báo “Vang mãi bản hùng ca Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”; phối hợp với Liên chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông tổ chức Giao lưu “Nhân chứng – Sự kiện”, thiết thực kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (1972-2022).

Đến dự Trưng bày có Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp; Đại tá Trần Công Hùng – Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Phòng không 361; Thiếu tá Phạm Ngọc Duy – Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu E31, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động; Thiếu tá Nguyễn Khắc Tuấn – Chủ nhiệm Nhà Văn hoá, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Thư viện Hà Nội; đại diện lãnh đạo phường Trung Liệt, phường Thổ Quan, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên quận Đống Đa; cán bộ, chiến sĩ các đơn vị: Sư đoàn Phòng không 361; Bộ Tư lệnh Thủ đô; Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu E31; Trung đoàn cảnh sát cơ động Hà Nội; thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Trường Trung học cơ sở Quang Trung – Đống Đa.

Các đại biểu tham quan Trưng bày.

Phát biểu khai mạc Trưng bày, Giám đốc Thư viện Hà Nội đã ôn lại truyền thống hào hùng với chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”: Cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12 năm 1972 của đế quốc Mỹ là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng tàn khốc. Quân và dân Thủ đô anh hùng đã dũng cảm đương đầu và vượt lên hy sinh, mất mát, với khí thế sục sôi, ý chí quyết chiến và quyết thắng. Trong 12 ngày đêm, Hà Nội sát cánh cùng Hải Phòng và các địa phương miền Bắc chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, vang dội. Đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, buộc chính quyền Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh về nước. Thắng lợi này mở ra bước ngoặt lịch sử để quân và dân ta làm tròn sứ mệnh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến công trên bầu trời Hà Nội là bản hùng ca bất tử, mang khí thiêng dân tộc của Thủ đô ngàn năm văn hiến, được viết bằng ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, quyết chiến đấu vì sự nghiệp thống nhất đất nước, vì độc lập, tự do cho dân tộc, là minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Hồ Chủ tịch. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Trưng bày.

Trưng bày sách, báo “Vang mãi bản hùng ca Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” với 4 nội dung chính: Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ; Đánh bại cuộc tập kích bằng không quân chiến lược của Đế quốc Mỹ; Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu và chiến thắng (18/12/1972 – 29/12/1972) ; Hà Nội – Ngàn năm văn hiến. Với khoảng 500 tư liệu (sách, báo, tạp chí) được tuyển chọn, Trưng bày nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong học sinh, sinh viên, đội viên, đoàn viên, thanh niên, cán bộ, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô và bạn đọc Thủ đô về chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – Chiến thắng lịch sử, có ý nghĩa thời đại của quân và dân ta, nhất là Quân chủng Phòng không – Không quân; quân dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương của miền Bắc, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn. Nội dung Trưng bày còn giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bồi dưỡng phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, vận dụng những bài học kinh nghiệm vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp phát biểu cảm ơn.

Thư viện Hà Nội tặng sách cho các đơn vị của quận Đống Đa.

Phát biểu tại Trưng bày sách, báo, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp xúc động cho biết: Trong cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ từ ngày 18 tháng 12 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972 mà mục tiêu chủ yếu là Thủ đô Hà Nội, Đống Đa là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Đống Đa trong 12 ngày đêm ấy đã nhiều lần chịu mưa bom, bão đạn với nhiều địa điểm bị đánh phá mang tính chất hủy diệt như Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên… Một số di tích lịch sử, rạp hát, nhiều cơ sở sản xuất cùng hàng nghìn nhà dân bị đổ sập, rất nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh. Tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và sản xuất, những chiến công và thắng lợi vẻ vang, sự hy sinh to lớn của các tầng lớp Nhân dân Đống Đa, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Các thế hệ hôm nay và mai sau có quyền tự hào về những hy sinh, đóng góp của người dân Đống Đa trong 12 ngày đêm đã cùng Thủ đô làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử. Quân và dân Đống Đa không phụ lòng tin của Đảng, xứng đáng là thành trì vững chắc, pháo đài kiên cường phía Tây Nam thành phố.

Trưng bày thu hút sự quan tâm của công chúng Thủ đô.

Thay mặt UBND quận Đống Đa, Phó Chủ tịch cảm ơn sự chỉ đạo và phối hợp của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Thư viện Hà Nội đã tổ chức Trưng bày sách, báo và Giao lưu “Nhân chứng – Sự kiện” tại quận Đống Đa. Đây là hoạt động văn hóa rất có ý nghĩa trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và mong muốn sẽ có thêm các sự kiện hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao được tiếp tục tổ chức tại quận Đống Đa trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Giao lưu.

Đại tá Trần Công Hùng (trái), Trung tá Nguyễn Văn Độ (phải) tại buổi Giao lưu.

Cùng với Trưng bày sách, báo, hoạt động Giao lưu “Nhân chứng – Sự kiện” với sự tham gia của khách mời là các Cựu chiến binh (CCB), những người đã tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô và đất nước, đặc biệt bảo vệ Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa năm 1972 như: CCB Phùng Đệ – một trong những “Vệ Út” tham gia giữ thành Hà Nội trong 60 ngày đêm, năm 1946; Trung tá Nguyễn Văn Độ – nguyên sĩ quan, nguyên trắc thủ của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361. Chính Tiểu đoàn 59 đã bắn rơi chiếc máy bay B-52 xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn; Đại tá Trần Công Hùng – Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Phòng không 361, đang tiếp bước cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Thiếu tướng Phan Khắc Hải – nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – người trực tiếp tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Giao lưu “Nhân chứng – Sự kiện” được tổ chức nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, tôn vinh những chiến công hiển hách của quân và dân Thủ đô Hà Nội, từ đó giúp thế hệ trẻ thấy được trách nhiệm của mình trong việc phát huy truyền thống anh hùng, sức sáng tạo, nhiệt huyết cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Mai Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *