Di sản – Bảo tồn

Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám: 30 năm xây dựng và trưởng thành

Những thành tựu 30 năm qua đã minh chứng Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu–Quốc Tử Giám là mô hình phù hợp với hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của Di tích đặc biệt quan trọng này. 

Ở độ tuổi 30 tràn đầy sức sống, với nhiều cơ hội phát triển, Trung tâm sẽ đưa di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám bước vào giai đoạn phát triển mới, thực sự thành một điểm đến hấp dẫn về giáo dục truyền thống, quảng bá văn hóa Việt Nam và kết nối với bạn bè quốc tế.
Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một mô hình quản lý di tích độc đáo
Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những quần thể kiến trúc lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Hà Nội và là di tích Nho học lớn nhất ở Việt Nam. Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 ở phía Tây Nam thành Thăng Long dưới triều vua Lý Thánh Tông (1023-1072) để thờ Khổng Tử và các học trò xuất sắc của ông. Năm 1076, dưới triều vua Lý Nhân Tông (1066-1128), Quốc Tử Giám được xây dựng ở phía sau Văn Miếu để làm trường học dạy Hoàng Thái tử, con em của Hoàng gia và đại thần quý tộc. Sau này, trường cũng tiếp nhận cả học trò ưu tú thuộc gia đình thường dân. Trải qua hơn 700 năm hoạt động (1076-1802), hàng ngàn nhân tài được đào tạo ở đây và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Quốc Tử Giám là Trung tâm giáo dục cao cấp đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam thời quân chủ.
Sau khoa thi Hán học cuối cùng vào năm 1919, cùng với những thăng trầm của lịch sử trong thế kỷ XX và nhận thức về di sản văn hóa chưa đầy đủ trong giai đoạn sau này, khu di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Các hạng mục như Quốc Tử Giám, nhà che bia, tòa Phương Đình trên gò Kim Châu ở hồ Văn mất đi. Những công trình còn lại thì hư hỏng, dột nát, ngập nước, không được chăm sóc và hầu như rất ít khách đến tham quan. Đến Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986), thực hiện đường lối đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, Thành ủy Hà Nội chủ trương thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đặt tại di tích làm nơi gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề thuộc các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật… nhằm huy động lực lượng các nhà khoa học góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước.
Trên cơ sở đó, ngày 25/4/1988, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 1776/QĐ/UB về việc thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội). Trung tâm có chức năng quản lý khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám theo Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hoá của Nhà nước; Tổ chức các hoạt động khoa học, văn hoá nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; Tổ chức hướng dẫn khách tham quan du lịch; Lập quy hoạch bảo vệ và tôn tạo khu di tích.
Sau 30 năm thành lập, cho dù có những thay đổi mạnh mẽ về tổ chức, bộ máy nói chung, nhưng có thể khẳng định rằng Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn là mô hình hiệu quả đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di tích đặc biệt quan trọng này.
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, 30 năm một chặng đường nhìn lại
Công tác bảo tồn di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, chấm dứt thời kỳ xuống cấp kéo dài và tạo nên diện mạo khang trang nhưng vẫn mang đậm nét cổ kính, trầm mặc của di tích lâu đời này. Tất cả các hạng mục của Di tích đều được bảo quản và trùng tu đảm bảo đúng nguyên tắc của công tác bảo tồn, không làm biến dạng, sai lệch kết cấu của các công trình, cổng Tam quan, Khuê Văn Các, điện Đại Thành, giếng Thiên Quang là những ví dụ sinh động cho những nỗ lực của Trung tâm để có được hiện trạng như hôm nay. Đặc biệt là công trình nhà che bia tiến sĩ được xây dựng năm 1994 có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ cho 82 tấm bia tiến sĩ quý giá của triều Lê và triều Mạc. Tám nhà che bia đã che kín các tấm bia, cân đối, hài hòa với Khuê Văn Các, với giếng Thiên Quang tạo thành vườn bia tiến sĩ đầy chất thơ, giữa trung tâm của Di tích. Những tấm bia được giữ gìn cẩn thận đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2011 và là Bảo vật quốc gia vào năm 2015.

8 nhà che bia được xây dựng cân đối, hài hòa với Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang tạo thành vườn bia tiến sĩ

Một dấu mốc quan trọng đối với  Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời hiện đại là sự ra đời một công trình hoàn toàn mới, khu Thái học trên nền Quốc Tử Giám xưa, nơi đã bị bỏ hoang sau những biến cố trong thời chiến tranh. Khu nhà Thái Học hiện nay được xây dựng năm 1999 với thiết kế theo kiến trúc truyền thống, là nơi thờ ba vị vua có công sáng lập Văn Miếu – Quốc Tử Giám và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục Nho học Việt Nam: Vua Lý Thánh Tông, Vua Lý Nhân Tông, Vua Lê Thánh Tông và thờ Thầy giáo Chu Văn An. Khu Thái học ra đời góp phần làm cho nhiều giá trị của văn hóa Việt Nam ở di tích được thể hiện rõ ràng, đậm nét và đặc biệt là trở thành một địa chỉ văn hóa với nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, khu vực ngoại tự bao gồm hồ Văn vườn Giám được tôn tạo, chỉnh trang với việc giải toả lấn chiếm và nạo vét, kè cạp hồ Văn; dựng nhà Bát giác, xây đường dạo và kiến tạo cây xanh thảm cỏ ở vườn Giám. Năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án phục dựng tòa phương đình và tôn tạo đảo Kim Châu thuộc Hồ Văn. Công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ thức dậy tiềm năng cảnh quan của hồ Văn, là địa điểm để tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật và kết nối với khu nội tự thành một chỉnh thể của Di tích.
Là một trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học lớn của Thủ đô Hà Nội, nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học được tổ chức tại Di tích để phát huy giá trị của Di tích và góp phần xây dựng ngành văn hóa Thủ đô. Là nơi gắn với giá trị hiếu học, tôn sư trọng đạo tôn trọng nhân tài, hàng năm Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón hàng nghìn các đoàn học sinh, sinh viên của các trường trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương khác đến tham quan, làm lễ dâng hương. Trung tâm đã tổ chức hoạt động khuyến học ngày càng đi vào nề nếp, đặc biệt là thành công bước đầu của chương trình giáo dục di sản, giúp các em học sinh, sinh viên nhận thức được những giá trị tốt đẹp của Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng, của truyền thống văn hóa dân tộc nói chung, từ đó hình thành nên thái độ đúng đắn, lòng yêu mến di sản văn hóa dân tộc, động lực mạnh mẽ để cho thế hệ trẻ sáng tạo, đồng hành trong kỷ nguyên của hội nhập và toàn cầu hóa.
Các cuộc triển lãm, trưng bày, các cuộc thi tìm hiểu về di tích, các cuộc hội thảo… được Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức thường xuyên. Bên cạnh đó, hoạt động điền dã, sưu tầm đã thu được hàng nghìn hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Tiến sĩ Nho học, Giáo dục khoa cử Nho học, Di tích Nho học…  tại 200 di tích Nho học trên địa bàn cả nước, lập hàng chục nghìn phiếu tư liệu từ chính sử, thư tịch cổ.
Tháng 1/2018, Trung tâm đã triển khai hệ thống thuyết minh tự động gồm 8 ngôn ngữ; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu với logo, vé, hệ thống biển chỉ dẫn, hệ thống biển thông tin, cải thiện chất lượng phục vụ du khách tốt hơn. Việc phân luồng khách tham quan hợp lý, sắp xếp lại khu dịch vụ… cũng tạo nên hình ảnh ngày càng đẹp hơn của di tích.
Hội chữ Xuân là một điểm nhấn trong các hoạt động của Di tích. Bắt đầu được tổ chức năm 2014, trải qua 5 năm liên tục điều chỉnh và hoàn thiện, đến nay, hội chữ Xuân đã thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa, thu hút hàng trăm nghìn khách tham gia vào dịp Tết Nguyên đán tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Từ năm 2010 đến nay, hàng năm, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tổ chức tiếp đón, thuyết minh, giới thiệu về di tích cho trên 1000 đoàn khách tham quan, trong đó có nhiều đoàn khách cấp cao của Đảng và Nhà nước. Mỗi năm Trung tâm đón tiếp khoảng 1,5 triệu lượt khách tham quan trong nước và quốc tế, tổ chức lễ khuyến học cho trên 400 trường học các cấp trong nước. Năm 2017, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn là Điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam.
 TS Lê Xuân Kiêu
GĐ Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Ảnh: Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Internet

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *