Thể Thao

Trường PT Năng khiếu và TDTT Hà Nội: 50 năm một chặng đường phát triển

Vượt lên mọi khó khăn thử thách của những năm đầu thành lập, cùng sự quyết tâm cao của đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên và học sinh – vận động viên, Nhà trường đã gặt hái được những thành quả ban đầu

Vào những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, các lớp huấn luyện thể thao ngoài giờ và nghiệp dư cao cấp được hình thành và cũng có nhiều vận động viên đạt được thành tích cao trong các giải thi đấu thể thao toàn miền Bắc; nhưng việc đào tạo lúc ấy chỉ mang tính “thời vụ” trước mắt. Để đáp ứng được nhiệm vụ dài hạn của ngành Thể thao Thủ đô, ngày 03/6/1966, Trường Văn hóa Thể thao Hà Nội, nay là Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục Thể thao Hà Nộị được thành lập theo Quyết định số 1317 – TCCQ của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Sự kiện trường Văn hóa Thể thao Hà Nội được thành lập là bước ngoặt của ngành Thể thao Thủ đô.

 

 

Picture1

Đ/c Tô Văn Động, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội dự Lễ khai giảng năm học mới với thầy và trò nhà trường

Picture2Đ/c Phí Thái Bình- Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội tại Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Hà Nội năm 2010

Tiếng trống khai trường của năm học đầu tiên 1966 -1967 đã vang lên trong niềm vui bất tận của Ban lãnh đạo Sở, của đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, học sinh – vận động viên. Giáo viên chuyên trách văn hóa lúc bấy giờ cũng chỉ có 2 người được Sở Giáo dục cử sang là cô Nguyễn Hương Ngọc và cô Trần Kim Chi. Những huấn luyện viên phụ trách thể thao là các thầy cô: Phương Đình Thọ, Hà Mộng Tường, Hà Tuấn Nguyên, Nguyễn Thị Bích, Phan Thanh Tâm,…

Vượt lên mọi khó khăn thử thách của những năm đầu thành lập, cùng sự quyết tâm cao của đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên và học sinh – vận động viên, Nhà trường đã gặt hái được những thành quả ban đầu. Nhiều học sinh – vận động viên đã đạt thành tích cao trong thi đầu thể thao và hoàn thành tốt chương trình văn hóa. Tiêu biểu ở giai đoạn này phải kể đến những vận động viên kiện tướng nổi tiếng như: Lê Xuân Nga, Bùi Thị Nga, Nguyễn Kim Xuân (môn Thể dục), Nguyễn Trường Huy, Dương Quốc Tuân (Bóng bàn), Hoàng Vĩnh Thành, Ngô Văn Chương ( Bơi lội), Phạm Kim Oanh, Nguyễn Bùi Thiết (Bắn súng), Hà Văn Canh, Dương Đức Thủy (Điền kinh)…

Từ những con số khiêm tốn ban đầu cùng với chủ trương đúng đắn, nhà trường đã từng bước lớn mạnh bất chấp mọi khó khăn gian khổ. Những năm máy bay Mỹ leo thang ra miền Bắc, các thầy cô giáo, huấn luyện viên, học sinh – vận động viên phải sống và học tập tại nơi sơ tán thiếu thốn đủ mọi thứ nhưng cũng không quản ngại vất vả vẫn hoàn thành tốt chương trình học tập văn hóa và rèn luyện thể thao.

Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: Nhiệm vụ dạy văn hóa và nhiệm vụ huấn luyện thể thao cho học sinh – vận động viên. Lúc này, đội ngũ huấn luyện viên thể thao của nhà trường ngày càng lớn mạnh, các bộ môn thể thao đều được bổ sung thêm những huấn luyện viên trẻ, có trình độ chuyên môn cao, giàu tâm huyết. Nhiều thầy cô dạy văn hóa cũng được bổ sung. Nhiều bộ môn thể thao mới cũng được nhà trường tổ chức huấn luyện như: Kiếm, Judo, Karate, Quyền Anh, Teakwondo, …Nhiều học sinh – vận động viên giai đoạn này đạt được thành tích cao, lập những kỷ lục quốc gia như Bùi Kim Phượng, Đặng Thị Tèo (Điền Kinh), Phạm  Thị Phú, Nguyễn Đăng Bình (Bơi lội), Nguyễn Thanh Mai, Nguyễn Kim Loan (Thể dục), Nguyễn Hữu Chế, Lê Văn Sức (Vật)…

Bước sang năm 1989, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tập luyện và thi đấu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Sở Thể dục Thể thao Hà Nội quyết định thành lập các câu lạc bộ thể thao hoạt động độc lập với nhà trường. Nhiệm vụ duy nhất của nhà trường lúc này là giảng dạy văn hóa cho vận động viên của các câu lạc bộ thể thao trực thuộc Sở. Trong giai đoạn này nhà trường phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới. Học sinh của trường do các bộ môn thể thao trực tiếp tuyển chọn nên chất lượng đầu vào thường không đồng đều. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa có trường lớp riêng biệt, các lớp học còn phải học nhờ, học ghép, số lượng học sinh không ngừng tăng lên.

Năm 2004, ngoài cơ sở chính đặt tại 14 Trịnh Hoài Đức, trường còn mở thêm cơ sở ở Mỹ Đình, trong khi đó đội ngũ giáo viên biên chế của nhà trường cũng chỉ có 10 người còn lại phải ký hợp đồng thỉnh giảng với các thầy cô giáo trường ngoài.

Vượt lên mọi khó khăn thử thách, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong thi đấu thể thao cũng như dạy và học văn hóa. Nhiều thế hệ học sinh – vận động viên đã đạt thành tích cao trong các kỳ SEA Games, các giải thi đấu châu lục và thế giới. Một trong những số đó phải kể đến các học sinh -vận động viên qua các kì SEA Games từ 17 đến 23 như: Vũ Bích Hường, Nguyễn Thị Tĩnh (Điền kinh),Nguyến Thúy Hiền (Wushu), Đỗ Thị Ngân Thương (Thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Thi, Đoàn Thị Cách (Đua thuyền), Nguyễn Thị Thiết (Cử tạ)…

Thành tích dạy và học văn hóa cũng không ngừng được nâng lên, tỷ lệ tốt nghiệp THCS và THPT luôn duy trì ở mức cao (tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm trên 95% trở lên). Nhiều học sinh – vận động viên sau khi tốt nghiệp THPT  thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng …trên toàn quốc và nhiều học sinh cũ của nhà trường còn trưởng thành trên nhiều  lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Không ít gương mặt sáng giá là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà doanh nghiệp, sĩ quan quân đội, công an đang cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cũng có những học sinh – vận động viên sau khi tốt nghiệp Đại học đã quay trở lại Sở công tác, huấn luyện cho những học sinh – vận động viên kế cận.

Năm 2006, theo Quyết định số 139/2006/QĐ-UBND ngày 09/8/2006 của UBND thành phố Hà Nội, Trường Văn hóa Thể thao Hà Nội đổi tên thành Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục Thể thao Hà Nội. Cùng với đó là việc chuyển đổi mô hình học tập từ chương trình bổ túc văn hóa sang chương trình trung học phổ thông, dạy từ cấp Tiểu học đến cấp Trung học phổ thông. Năm 2010, trường vinh dự được tiếp nhận một công trình chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tại Đường Lê Đức Thọ – Mỹ Đình – Từ Liêm – Hà Nội. Đây là một công trình khang trang gồm 30 phòng học với đủ các trang thiết bị hiện đại, có các phòng thực hành Lý, Hóa, Sinh…riêng biệt, các lớp học đúng tiêu chuẩn và khuôn viên trường học Xanh – Sạch – Đẹp. Hiện nay, trường có 42 lớp với 1556 học sinh. Cán bộ và giáo viên được biên chế gần 60 người.

Cùng với sự lớn mạnh của nhà trường, nhiều tổ chuyên môn, tổ chức chính trị, tổ chức đoàn thể đã ra đời như: Tổ Hành chính – Quản trị, tổ Tiểu học, tổ THCS, tổ THPT, Chi bộ Đảng, Chi đoàn Thanh niên, …Tổ chức Công đoàn nhà trường cũng không ngừng lớn mạnh đã đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng của tập thể cán bộ giáo viên và nhân viên trong nhà trường.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, trường PTNK thể dục thể thao Hà Nội đã được tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý cấp Thành phố và cấp Nhà nước:

Năm 1986,  Huân chương lao động Hạng Ba

Năm 2006, Huân chương lao động Hạng Nhì

Năm 2000, 2015, Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của UBND Thành phố.

Nhiều cán bộ, giáo viên của nhà trường cũng được tặng bằng khen, giấy khen chiến sĩ thi đua cấp Sở, cấp Thành phố.

Nhiều học sinh – vận động viên cũng được tặng Huân chương lao động và Bằng khen của Chủ tịch nước.

Lưu Văn Hưng

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *