Tự hào đang làm công việc liên quan tới 2 biểu tượng văn hóa của Việt Nam là múa rối và áo dài, nhưng nghệ sĩ ưu tú – nhà thiết kế Đức Hùng cũng thừa nhận sáng tạo trên nền những chuẩn mực ấy không dễ, thậm chí rất khó. “Muốn truyền thống chạm […]
“Phải để giới trẻ thích áo dài”
Luôn ý thức áo dài truyền thống Việt Nam đã hoàn mỹ, thêm thì thừa, bớt thì thiếu, thế nhưng trong khoảng không sáng tạo tưởng chừng rất hẹp ấy, Đức Hùng vẫn đều đặn cho ra đời các bộ sưu tập mới đầy sáng tạo. Năm 2017 là “Thu ca” dành cho top 5 người đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2016, và “Đón trăng” trình diễn trong chương trình Thu vọng nguyệt dành cho thiếu nhi. “Tôi ví áo dài như một vần thơ đẹp, mà thay đổi một vần thơ hay đâu có dễ. Tôi giữ nguyên nội dung những câu thơ đó, chỉ thay đổi những cái xung quanh, như năm nay viết chữ hoa, sang năm viết chữ in, năm sau nữa phổ nhạc hoặc cứ để nguyên vần thơ ấy và treo lên tường, rọi một cái đèn nhỏ xinh cho nó lung linh, óng ả… Đó là cách tôi làm với áo dài, thay đổi chất liệu, màu sắc, nhưng giữ nguyên kiểu dáng truyền thống và làm cho nó đẹp hơn”.
Như để “Thu ca” có thể chinh phục các người đẹp quốc tế, nguyên tắc đầu tiên của Đức Hùng là không cách tân, để họ cảm nhận đúng về tà áo dài truyền thống của Việt Nam. Về chất liệu, anh chọn các loại voan mỏng, nhẹ, bay, để tôn lên sự nữ tính. Màu sắc cũng không quá mạnh, mà vừa và dịu, như thiên thanh, vàng nhạt, tím nhạt… Kỹ thuật không cầu kỳ, chủ yếu sử dụng thêu ren truyền thống Việt Nam. Trong khi đó, với những mẫu thiết kế dành cho thiếu nhi, bên cạnh chất liệu, màu sắc, để có thể cuốn hút các em, anh chú trọng vào họa tiết và cách thể hiện thông qua những hình ảnh gần gũi. “Quan điểm của tôi là phải để cho giới trẻ thích áo dài, đừng để các em nghĩ rằng áo dài chỉ dành cho đối tượng lớn tuổi. Ba mấy tuổi tôi vẫn chưa thích áo dài lắm, một phần do người đi trước chưa thực sự chủ động truyền bá để mình yêu nó. Và tôi muốn thay đổi điều đó”.
Top 5 người đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2016 trong trang phục áo dài của nhà thiết kế Đức Hùng |
Đắm đuối với áo dài truyền thống và tự ý thức sứ mệnh của mình là đưa nó đến với giới trẻ, Đức Hùng “cảm động đến chảy nước mắt” khi chứng kiến sự đầu tư công phu, chau chuốt của các thí sinh trong tiết mục trình diễn áo dài ở một cuộc thi mà anh được mời làm giám khảo. “Tôi cảm giác từng động tác, từng góc quay, từng cách gấp tà áo đều tăm tắp thì sự luyện tập phải kinh khủng, mà đó là những người nghiệp dư. Điều này thể hiện sự trân trọng của các bạn trẻ đối với áo dài truyền thống và chạm đến trái tim tôi”.
Qua cách tân, thấy giá trị đích thực
Đức Hùng khẳng định, 90% người Việt Nam thích áo dài truyền thống, và tuy không bảo thủ nhưng quan điểm sáng tạo của anh là chỉ “cách điệu” chứ không “cách tân” áo dài. “Mỗi người, đặc biệt là các nhà thiết kế, có cách nhìn và gìn giữ, trân trọng tà áo dài riêng, nhưng điểm chung là tất cả đều nâng niu hình ảnh cơ bản truyền thống của tà áo dài Việt Nam. Tôi từng ví áo dài giống như một ngôi chùa, có sự linh thiêng, lắng đọng thời gian và hội tụ tinh túy mà chúng ta phải tự hào về nó… Mọi người hay hỏi, tại sao Đức Hùng thiết kế các bộ sưu tập áo dài rất truyền thống hoặc nếu không thì vẫn là tà áo dài Việt Nam chứ không bị mất đi hình hài vốn dĩ tuyệt vời của nó? Tôi cho đây là lời khen, giúp mình tự tin hơn với công việc đang làm”. Tuy nhiên, Đức Hùng cũng cho rằng, nếu không có sự cách tân như thời gian qua thì chưa chắc mọi người đã yêu áo dài truyền thống đến vậy. Bởi qua đó, họ thấy giá trị đích thực của áo dài.
Khi hỏi ý tưởng cho các bộ sưu tập thường bắt đầu từ đâu, Đức Hùng tự tin, “không bao giờ vơi cạn”, đôi khi đến từ một câu nói, câu hát, hay bức tranh… Như tà áo dài anh thiết kế cho Mai Thu Huyền trình diễn trong Lễ hội Áo dài Việt Nam tại Mỹ năm 2012 được lấy cảm hứng từ một câu hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương: Trên quê hương quan họ, một làn nắng cũng mang điệu dân ca. Những mùa lúa thơm, cánh cò bay dệt như trong mộng… Câu hát khiến anh liên tưởng ra những mớ ba mớ bảy, lớp lang nọ lớp lang kia như những tia nắng bay bổng, rồi hội Lim trên bến dưới thuyền, cờ ngũ sắc… Và những tà áo dài cứ thế bung ra. Cách phối màu trong các thiết kế của Đức Hùng cũng không theo công thức nào mà do cảm xúc dẫn dắt, như chính những con rối xanh đỏ tím vàng lam trắng mà anh gắn bó bấy lâu, tự nhiên, trong sáng và gần gũi.
Truyền cảm hứng
Mỗi người khi mặc áo dài đều có ý thức tự điều chỉnh cách đi đứng, nói năng, chọn đôi giày cao gót, tô môi son tươi tắn… Thế nhưng, nhà thiết kế Đức Hùng vẫn tiếc khi “áo dài Việt Nam là một trong những quốc phục dễ mặc nhất thế giới, có khi chỉ mất… 2 phút”, trong khi thời gian mặc một bộ kimono (Nhật Bản), mất tới… 2 tiếng rưỡi. “Lúc đầu, bạn có thể thấy vô cùng khó chịu vì mất thời gian, nhưng đến phút 30 thì tự nhiên cảm thấy mình đang sống trong văn hóa Nhật Bản. Tinh thần của kimono đã được truyền vào người mặc. Cho nên, đối với áo dài truyền thống Việt Nam, tôi vẫn mong ước người ta đừng mặc nhanh quá, mà có thời gian để cảm nhận những ý nghĩa ẩn trong đó”.
Không chỉ thiết kế, Đức Hùng còn tích cực tham gia các sự kiện tôn vinh áo dài. Anh cho đó là điều nên làm và phải làm, để những giá trị truyền thống được lan tỏa rộng rãi. Bởi một nghệ sĩ tốt thì chỉ bản thân hoặc một hai người xung quanh được hưởng lợi, nhưng một nghệ sĩ có ích thì sức ảnh hưởng sẽ lớn hơn, truyền cảm hứng được cho nhiều người hơn. “Tôi tự ví mình như một cái phanh nhẹ, phanh được chừng nào tốt chừng ấy, để tất cả đừng trôi đi với tốc độ quá nhanh, rồi sau đó mất hết bản sắc, chẳng hiểu mình là Việt Nam hay nước ngoài”.
Theo daibieunhandan.vn