Tin tức - Sự kiện

Tư tưởng vì con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của Người, tư tưởng vì con người và giải phóng con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả. uốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột […]

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của Người, tư tưởng vì con người và giải phóng con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả.

uốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Bởi vậy, trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của Người, tư tưởng vì con người và giải phóng con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh mà Người đã dày công xác lập.

 

 

Vấn đề con người trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc là tình yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Khi đi xa, Bác “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”, cả cuộc đời Bác đã dành cho dân tộc. Mong muốn lớn nhất của Bác là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, đồng bào ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Trong Di chúc, Người căn dặn: “phải có một chính sách đặc biệt đối với mọi tầng lớp nhân dân đã vì Tổ quốc mà hy sinh”. Theo Người, đó là công việc nhất thiết phải làm, dẫu khó khăn, phức tạp đến mấy cũng phải ra sức làm…

Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà trong Di chúc Hồ Chí Minh viết “công việc đầu tiên là đối với con người”, Bác dặn các thế hệ cách mạng phải chăm lo đến lợi ích của con người và Đảng cầm quyền có kế hoạch thật tốt để chăm lo đời sống nhân dân.

“Quyền con người là quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Đấy là giá trị toàn nhân loại mà Hồ Chí Minh tiếp thu được, vận dụng vào Việt Nam là quyền được giải phóng dân tộc. Con người thoát được ách áp bức. Thứ hai, con người như bác Hồ nói, chúng ta giành được độc lập mà dân không có tự do thì độc lập không có nghĩa lý gì. Con người phải sống trong hòa bình, ấm no hạnh phúc” – Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng phân tích.

Cũng xuất phát từ lòng nhân ái, vì cuộc sống tự do và hạnh phúc của con người, lòng nhân ái của Bác Hồ đã đặt đúng vào những người cùng khổ nhất trong xã hội tức là những người công nhân và nông dân. Với trái tim đầy tình yêu thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu và đồng cảm với nỗi thống khổ vì áp bức bất công, vì những gian lao, mất mát trong chiến tranh của nhân dân lao động từ miền xuôi đến miền ngược. Người đề nghị: “miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất sau nhiều năm liên tục góp sức người, sức của, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc”.

Tiến sĩ Chu Đức Tính – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ, trong bản Di chúc dặn lại toàn Đảng trước lúc đi xa, Bác đã nối tiếp truyền thống các vị vua anh minh trong lịch sử dân tộc mà nghĩ đến chuyện sau chiến tranh trong việc bình công, báo công và chăm lo những người đã đóng góp cho cách mạng. Bác thấu hiểu những người nông dân là những người vất vả, cực khổ nhất. Đây là 1 sự quan tâm thiết thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh quan tâm chung là dặn Đảng ta quan tâm đến đời sống nhân dân, thì Người thiết thực miễn thuế 1 năm cho nông dân. Cho đến nay Đảng ta thực hiện suất sắc điều này.

Với mong ước về một xã hội phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại lời di huấn thiêng liêng “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Kết thúc chiến tranh và đặc biệt là trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, lời di huấn này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho những quyết sách của Đảng và Nhà nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc – Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, quan tâm bao trùm của Đảng trong thực hiện Di chúc, chúng ta đã cố gắng thực hiện tốt nhất là khi thực hiện công cuộc đổi mới. Chúng ta đã cố gắng theo khả năng của mình để thực hiện lời căn dặn của Bác đối với con người.

“Hiện nay Đảng và Nhà nước ta thực hiện tốt đối với người có công; thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản giáo dục; nghị quyết Trung ương 9 về phát triển văn hóa con người. Theo tôi, vừa quan tâm lợi ích chân chính của con người nhưng đồng thời phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển đất nước”- nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho biết.

Di chúc Bác Hồ – ngoài những giá trị lịch sử, chính trị, thực sự là một Di chúc thấm đượm tình thương yêu vô hạn đối với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế mà Hồ Chí Minh là người đại diện tiêu biểu nhất. Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra và lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công đường lối đổi mới, đưa nước ta từng bước ra khỏi khủng hoảng, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Tư tưởng nhân văn cao cả trong Di chúc đang tiếp tục soi sáng trên những bước đường của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đi đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Theo Báo Kinh tế & Đô thị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *