Tin ngành

Tưng bừng Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây

Sơn Tây có vị trí địa lý quan trọng, trung tâm kết nối vùng Tây Bắc Thủ đô, là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài…..Thành cổ Sơn Tây là công trình quân sự được xây dựng bằng đá ong và hoàn thành vào đời vua Minh Mạng, gồm các công trình có giá trị phòng ngự cao…

Tối ngày 12/11/2022, Thị ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Sơn Tây đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022) và giới thiệu các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch. Đây là những sự kiện lớn trong Năm du lịch Sơn Tây – xứ Đoài 2022, được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 17 Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc tới các bậc tiền nhân đã có công xây dựng đất nước trong hành trình phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam của cán bộ và Nhân dân thị xã Sơn Tây, là ngày hội lớn của địa phương.

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Tuyến – Uỷ viên Ban chấp hành TW Đảng – Phó Bí thư Thường Trực Thành ủy Hà Nội; Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tây cũ, Thành ủy Hà Nội qua các thời kỳ; lãnh đạo các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh bạn.

Về phía thị xã Sơn Tây có đồng chí Trần Anh Tuấn – Thành ủy viên – Bí thư Thị ủy, Nguyễn Quang Hán – Phó Bí thư thường trực Thị ủy – Chủ tịch HĐND thị xã, Ngô Đình Ngũ – Chủ tịch UBND thị xã cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thị ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ, các ban ngành đoàn thể thị xã và đông đảo Nhân dân.

Sơn Tây là vùng đất cổ, trung tâm văn hóa xứ Đoài, là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” đã sinh ra hai vị vua Anh hùng dân tộc: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Đức vua Ngô Quyền, nhà ngoại giao xuất sắc  Thám hoa Giang Văn Minh…

Sơn Tây có vị trí địa lý quan trọng, trung tâm kết nối vùng Tây Bắc Thủ đô, là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài, mang nhiều dấu ấn đặc biệt trong văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa tứ trấn của vùng đất Thăng Long – Hà Nội.

Về Sơn Tây, về miền di sản, nơi nổi danh bởi những quần thể di tích lịch sử – văn hóa với bề dày lịch sử và sự phong phú, độc đáo của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, tiêu biểu trong đó là di tích Thành cổ Sơn Tây – tòa Thành đá ong duy nhất ở Việt Nam…

Thành cổ Sơn Tây là công trình quân sự được xây dựng bằng đá ong và hoàn thành vào đời vua Minh Mạng, gồm các công trình có giá trị phòng ngự cao, như: Hào nước, lũy bán nguyệt, bờ đất ngoài thành, cổng thành, tường thành, kỳ đài… và trở thành một trong những biểu tượng của thị xã Sơn Tây và vùng đất xứ Đoài.

Trải qua 200 năm, nhiều hạng mục công trình của Thành cổ vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, đó là: Khuôn viên Thành cổ, hào nước, cổng Tây và cổng Nam của Thành…

Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng thành độc đáo, năm 1994, Thành cổ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc cấp Quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển văn hóa và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và các Chương trình, Nghị quyết của Thành ủy về phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng trên địa bàn Thủ đô, thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch, trong đó có thành cổ.

Đáng lưu ý là việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại di tích Thành cổ nhằm giáo dục truyền thống, ý thức bảo tồn di sản, khơi dậy tiềm năng sáng tạo văn hóa trong thế hệ trẻ. Trong dịp kỷ niệm 200 năm thành cổ, Sơn Tây đã phối hợp tổ chức thành công Lễ hội khinh khí cầu quốc tế đầu tiên tại thị xã. Tại thành cổ, khu phố đi bộ và các khu vực lân cận đã có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trưng bày triển lãm…

Tại Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã biểu dương thị xã Sơn Tây  đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di tích, văn hóa – lịch sử trên địa bàn, kết hợp các hoạt động du lịch, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong thời gian qua…

Để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thị xã nói chung và giá trị của Thành cổ Sơn Tây nói riêng; trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân thị xã Sơn Tây cần tiếp tục coi trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế – xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch dịch vụ; quan tâm phát triển để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, Sơn Tây cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử gắn với giới thiệu về di sản văn hóa của địa phương; tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chương trình, kế hoạch của Thành phố, của thị xã về phát triển văn hóa – du lịch – dịch vụ để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thống nhất nhận thức, đồng tình hưởng ứng thực hiện.

Đưa các nội dung về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch bền vững lồng ghép với nội dung giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư, ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các sở, ban, ngành và các địa phương quan tâm phối hợp cùng thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trên địa bàn Thủ đô và thị xã, đặc biệt khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế du lịch và công nghiệp văn hóa; đưa thị xã Sơn Tây sớm trở thành trung tâm phát triển kinh tế du lịch, kinh tế đô thị của vùng xứ Đoài, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội; phấn đấu đến năm 2030, các di tích văn hóa tiêu biểu của Sơn Tây được nâng cấp là “Di tích cấp Quốc gia đặc biệt”.

Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây còn có chương trình nghệ thuật “Kể chuyện xứ Đoài” do các nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng trình bày, với nhiều tiết mục ca – múa- nhạc đặc sắc ca ngợi Sơn Tây Thành cổ, xứ Đoài ngàn năm văn hiến, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu Hà Nội.

Thanh Thanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *