Tin ngành

Từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước

Ngày 29/6, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 hướng đến mục tiêu tổng quát là khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong đó có 10 mục tiêu nổi bật và xuyên suốt, như: 100% bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực chuyên ngành; 95% – 100% di tích quốc gia đặc biệt và 65%-70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; 65 – 70% số di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện có trung tâm văn hóa – thể thao; doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP… Đi kèm với những mục tiêu, Dự thảo Chiến lược cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để hiện thực hóa, như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; phát triển một số lĩnh vực văn hóa như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, thư viện; phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh; tăng mức đầu tư cho văn hóa lên 2% tổng chi hàng năm…
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã tham góp ý kiến hoàn thiện các dự thảo, trong đó đề xuất bổ sung thêm nội dung, đề tài sản xuất phim truyện, phim hoạt hình, ưu tiên các phim về đề tài văn hóa, lịch sử; bổ sung ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, hệ thống trưng bày và thuyết minh tương tác trong bảo tàng cũng như một số chỉ tiêu về thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ công nhân viên chức, người lao động; đầu tư, khai thác cơ sở hạ tầng phát triển văn hóa, du lịch; xây dựng cơ chế đặc thù tạo đột phá trong phát triển du lịch biển đảo…
Tại điểm cầu Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.
Từ quan điểm chỉ đạo đó, Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, đặc biệt là Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”…
Tại đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã đề xuất 7 nội dung, giải pháp cho công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, gồm: Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa từ trung ương tới cơ sở; hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa; quan tâm đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa, du lịch; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sáng tạo văn hóa; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp ngành, địa phương trong phát triển văn hóa, du lịch; mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác quốc tế.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu tại nhiều địa phương cũng đóng góp ý kiến về việc khai thác nguồn lực văn hóa, nhất quán quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, xã hội… Trên cơ sở những góp ý của đại diện các bộ ngành, địa phương trên cả nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, nâng cao chất lượng dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, trình Chính phủ thẩm định, phê duyệt ban hành.

Thuỷ Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *