Vừa qua, tại tổ dân phố số 34 (phường Xuân La, quận Tây Hồ) đã diễn ra tọa đàm về thực hiện có hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Tp Hà Nội.
Với tinh thần hướng về cơ sở, tại tổ dân phố 34, phường Tây Hồ đã tổ chức Hội nghị tọa đàm về việc thực hiện có hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Đây là 1 trong 4 đơn vị làm điểm của thành phố Hà Nội.
Đảng ta luôn xác định, phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VII, Nghị quyết Trung ương 10 khóa IX đều khẳng định Văn hóa giữ vị trí, vai trò quan trọng trong cuộc sống và trong sự phát triển của kinh tế – xã hội. Và cần phải xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, đối với Thủ đô Hà Nội – là trái tim của cả nước – Hà Nội phải là tiêu biểu về phát triển văn hóa như Luật Thủ đô đã khẳng định, Hà Nội là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, về giáo dục đào tạo, về khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ Thành phố cũng nhấn mạnh: “Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống Nhân ái – Nghĩa tình – Thủy chung – Trong sáng và Tôn trọng pháp luật.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Thu Hiền – Phó GĐ Sở Văn hóa và Thể thao đã khẳng định: “Để Hà Nội ngàn năm văn hiến là niềm tự hào của quốc gia, thì cần phải tạo sự chuyển biến mới trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Năm 2017, Thành phố đã ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan hành chính và nơi công cộng. Qua hơn 1 năm thực hiện, quy tắc ứng xử trong cơ quan hành chính đã có sự chuyển biến rõ nét về ý thức, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng có sự chuyển biến tích cực, người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và với xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện 2 bộ quy tắc này còn có những hạn chế nhất định. Việc tuyên truyền chưa được rộng khắp, chưa tạo được ấn tượng đến với người dân. Nguyên nhân thứ nhất là do 1 số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai còn mang tính hình thức và một số đơn vị triển khai còn mang tính chất đối phó. Thứ hai, một số ít cán bộ đảng viên và nhân dân có nhận thức nhưng vẫn cố tình vi phạm và có những hình ảnh phản cảm ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô Hà Nội.
Trước những tồn tại đó, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã có bàn bạc, thống nhất cần phải tập trung triển khai tuyên truyền, tổ chức thực hiện đến từng người dân. Và Hội nghị tọa đàm đã được tổ chức tại tổ dân phố 34, từng gia đình, từng người dân đã được nghe, được trao đổi, được tự mình nói về những việc làm tốt, những việc chưa làm tốt và đề ra các giải pháp để xây dựng tổ dân phố ngày càng tốt hơn”.
Các ý kiến xây dựng của người dân đã đi thẳng vào vấn đề, nêu bật những điểm đã làm được và những điểm cần chỉnh đốn, phát huy trí tuệ tập thể, đề ra các giải pháp như: đưa bộ quy tắc ứng xử vào nội dung triển khai Nghị quyết hàng tháng của cấp ủy đảng cơ sở, chi bộ, đảng ủy cấp phường, xã. Tiếp tục duy trì các buổi tọa đàm tại cơ sở bởi tại đây, việc triển khai thực hiện đến từng người dân, người dân nghe, hiện thực hóa quy tắc vào đời sống đồng thời chính người dân sẽ rút ra kinh nghiệm, “hiến kế” cho các cấp chính quyền, đoàn thể… trong việc thực hiện quy tắc ứng xử. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là loa phát thanh; có chế tài xử phạt các hành vi vi phạm…
Hội nghị tọa đàm là dịp để các địa phương, cán bộ, đảng viên và người dân được nghe, được giao lưu, học hỏi trong việc thực hiện quy tắc ứng xử, đưa quy tắc ứng xử thực sự đi vào đời sống của từng người dân, để xây dựng một Hà Nội thanh lịch, văn minh, trung tâm văn hóa, trái tim của cả nước.
Thúy Nga
Theo MaskOnline