Văn hóa

Tuyên truyền văn hóa giao thông qua các hình thức nghệ thuật

Hôm qua (11/8), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã giới thiệu chương trình “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật”.

Nhằm đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng thông qua các hình thức văn học nghệ thuật, sáng 11/8 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã giới thiệu Dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật 2017”.

Với chủ đề “Văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên và học sinh”, dự án Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật 2017 được triển khai với nhiều nội dung như phát động thiếu nhi toàn quốc vẽ tranh về chủ đề văn hóa giao thông; phát động sáng tác tiểu phẩm hay dựng 2 tác phẩm sân khấu của cố tác giả Trương Minh Phương về văn hóa giao thông; tổ chức biểu diễn Múa rối nước và âm nhạc dân tộc ở một số trường học tại Hà Nội, in băng đĩa hình tuyên truyền sâu rộng về Văn hóa giao thông trong thế hệ trẻ,…

GS Hoàng Chương giới thiệu tranh vẽ đề tài văn hóa giao thông của thiếu nhi.

Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia giao cho Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam triển khai dự án Văn hóa giao thông từ năm 2010 và đang tiếp tục thực hiện tới năm 2020.

Từ năm 2013 tới năm 2016, Trung tâm đã phát động thiếu nhi toàn quốc vẽ tranh chủ đề Văn hóa giao thông, hàng năm đã có trên 3000 bức tranh từ các tỉnh gửi về, góp phần tuyên truyền văn hóa giao thông lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Dự án cũng đã xây dựng thành công nhiều chương trình nghệ thuật hết sức độc đáo mới lạ và hấp dẫn, với các hình thức nghệ thuật dân tộc đó là múa rối nước, hát xẩm, hát văn, quan họ Bắc Ninh được các nghệ sĩ thể hiện một cách khéo léo tài tình khi lồng ghép văn hóa giao thông.

Đầu năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho ra mắt 7 MV nghệ thuật “Văn hóa giao thông” với các ca khúc tuyên truyền như: Mười nhớ, Con đường Việt Nam, Lời dặn khi tham gia giao thông, Mười đặc trưng văn hóa giao thông, Con đường vui, Người tình nguyện, Nghe lời con nói. Với sự kết hợp hài hòa giữa các bài hát đặt lời trên nền nhạc dân ca và những ca khúc mới sáng tác, cùng dàn diễn viên trẻ, đẹp, giọng hát mượt mà, khỏe khoắn, MV “Văn hóa giao thông” là một sản phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, tập trung vào những vấn đề thiết yếu của văn hóa giao thông. Qua MV này, những quy định chính của luật giao thông và cách thức ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông đã được chuyển tải một cách nhẹ nhàng, sinh động, dễ thấm vào lòng người.

Tranh vẽ của thiếu nhi với chủ đề Văn hóa giao thông

Tại buổi gặp mặt, Phó Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Uông Việt Dũng đã đánh giá cao việc thực hiện Dự án “Đưa văn hóa giao thông và cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật”. Theo ông, trong 7 tháng qua, cả nước xảy ra 11.172 vụ tai nạn giao thông, làm 4.761 người chết, giảm 5,7%; 9.236 người bị thương, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Sự kéo giảm số vụ tại nạn giao thông, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông thời gian vừa qua có phần đóng góp của Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam thông qua thực hiện có hiệu quả dự án. Bên cạnh tuyên truyền chủ đề “Văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên và học sinh”, cần đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông, trước hết phải là những người thực thi pháp luật giao thông, ứng xử phải có văn hóa giao thông.

P.V

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *