Trong bóng đá, khán giả được coi là tài sản vô giá của các CLB, thế nhưng, những hành vi phi thể thao trên khán đài đã khiến đội bóng của họ bị phạt đau.
Tại World Cup 2018 vừa qua, hình ảnh đẹp trong thể thao được cả thế giới ca ngợi, đó là việc các cổ động viên Nhật Bản và Senegal nhặt rác trên khán đài sau trận đấu.
Sau trận đội nhà thắng Colombia 2 – 1 (ngày 19/6), các cổ động viên Nhật Bản đã nán lại để thu dọn rác trên khán đài bỏ vào túi rác. Hành động “giữ gìn môi trường World Cup” này nhận được sự tán thưởng của hàng triệu người khắp thế giới và được bình luận đây là “cách ăn mừng đáng nể” của người Nhật Bản.
Tương tự như fan Nhật Bản, sau trận đấu giữa đội tuyển Senegal với Ba Lan (ngày 19/6), các cổ động viên của “Những chú sư tử của Teranga” cũng đã nán lại để dọn dẹp toàn bộ rác mà họ đã thải ra.
Trái ngược với những hình ảnh đẹp trên, tại giải VĐQG Việt Nam (V-League) 2018, những hình ảnh xấu xí trên khán đài vẫn thường xảy ra. Theo đó, trận đấu ở vòng 19 V-League 2018 diễn ra ngày 15-7-2018 giữa CLB Hà Nội – Nam Định, khán giả đến sân dõi trận đấu trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội) đã có những hành vi bắn pháo sáng vào trong sân, đốt pháo sáng trong sân, ném nhiều chai nước, vật lạ xuống sân, chạy xuống sân thi đấu và mang băng rôn có nội dung không phù hợp vào sân.
Trong bóng đá, khán giả được coi là tài sản vô giá của các Câu lạc bộ, thế nhưng, những hành vi ứng xử nơi công cộng trên đã làm mất đi hình ảnh đẹp của vốn có của thể thao. Đây là hành vi phi thể thao, khó chấp nhận được.
Và những hành vi của khán giả trong trận đấu giữa CLB Hà Nội – Nam Định, ở vòng 19 V-League 2018 đã khiến BTC sân Hàng Đẫy bị Ban kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) áp dụng mức án phạt 70 triệu đồng vì vi phạm công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho trận đấu.Mặc dù, trước khi trận đấu CLB Hà Nội và CLB Nam Định diễn ra, thực hiện yêu cầu của Ban Điều hành giải, Ban tổ chức trận đấu đã huy động lực lượng an ninh gấp đôi so với các trận đấu khác. Cụ thể, khoảng 400 người, bao gồm lực lượng an ninh, bảo vệ, cảnh sát cơ động, phòng cháy chữa cháy… để tham gia công tác an ninh trận đấu. Bên cạnh đó, những phương án hàng rào an ninh tại các lối vào quanh sân, dưới sân thi đấu và trên khán đài cũng sẽ được tính tới để bảo đảm an toàn cho trận đấu, thế nhưng, những khán giả “quá khích” này vẫn bất chấp tất cả để làm xấu đi hình ảnh của mình trong con mắt những người hâm mộ bóng đá chân chính.
Đây không phải là lần đầu các CĐV trên sân Hàng Đẫy có hành động như vậy. Trước đó, tại vòng 9 giải VĐQG V-League 2018, tình trạng khán giả đốt pháo sáng và ném nhiều chai nước xuống sân thi đấu trong trận đấu giữa hai câu lạc bộ bóng đá Hà Nội và FLC Thanh Hóa diễn ra ngày 26-5 trên sân vận động Hàng Đẫy đã xảy ra. Với hành vi này của khán giả, BTC của CLB Hà Nội bị phạt 30 triệu đồng, còn FLC Thanh Hóa bị phạt 20 triệu đồng.
Ngày 10/3/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ- UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Quy tắc gồm 4 chương và 14 điều hướng tới từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại; góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phạm vi áp dụng là nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đối tượng áp dụng của Quy tắc là các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn TP Hà Nội.
Sau hơn 1 năm áp dụng vào đời sống, đã có những chuyển biến rõ nét trong nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử của công chức, viên chức và người dân đang sinh sống, làm việc, du lịch tại Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, với những gì Hà Nội đang làm để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại thì hành vi ứng xử nơi công cộng của khán giả vào sân theo dõi bóng đá trên sân Hàng Đẫy vừa qua đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của thể thao nói riêng và nỗ lực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói chung.
Nguyễn Minh
Theo Thể thao ngày nay