Lễ hội

Văn hoá làng- xã

​Theo Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học- 1995), "làng là khối dân cư ở nông thôn làm thành một đơn vị có đời sống riêng về nhiều mặt và là đơn vị hành chính thấp nhất thời phong kiến" Ngày nay, ở nông thôn lấy đơn vị xã làm cơ sở thấp nhất. Xã bao gồm một số thôn vốn là làng trước đây. Cũng có xã chỉ là một làng cũ. Bởi vậy, làng- xã có mối quan hệ tương đồng về chính trị- kinh tế- văn hoá- xã hội. Ở đó, dân sống chung trong lũy tre xanh, trên một địa bàn và thường có cùng một phong tục, tập quán, một nghề nông chủ yếu và một số nghề phụ. Họ cùng chung một ngôi đình, thờ chung một thành hoàng, một ngôi chùa thờ Phật- mẫu, cũng có thể một nhà thờ Thiên chúa giáo nếu ở đó đông giáo dân. Những làng cổ hình thành lâu đời thường chỉ có một số dòng họ; còn những làng do khai hoang, di dân mà lập nên lại đông đảo người bốn phương đến hội tụ.

Văn hoá làng là cốt cách về lối sống, nếp sống của cộng đồng cư dân trên địa bàn. Những con người ở đó ít ra cũng năm, bảy đời quần cư, có dòng họ sáng lập làng, có dòng họ lớn có nhiều người đỗ cao, làm  quan to thời phong kiến và cả trong hiện nay. Xưa kia, họ lớn thường đầy quyền thế, luôn thay nhau làm lý trưởng, chánh tổng, o ép các họ nhỏ và dân ngụ cư. Thói xấu ấy dã dần khắc phục dưới chế độ dân chủ.

langxa1.jpg

Người một làng sống gần gũi bên nhau nên "tình làng nghĩa xóm" luôn được đề cao. Họ bàn bạc cùng lập ra hương ước, quy định cụ thể những điều nên và không nên để bảo ban, nhắc nhở nhau cùng thực hiện. Đó là một thứ "lệ" của cộng đồng cơ sở, ai cũng phải tuân theo, quan trọng hơn cả luật pháp triều đình. "Phép vua thua lệ làng" là thế. Bây giờ, trong làng có "quy ước dân chủ" cũng do nhân dân bàn bạc đề ra để xây dựng đời sống  văn hoá làng. Có điều quy ước ấy phù hợp với kỷ cương lụât pháp của Nhà nước và không thể đứng trên luật pháp như trước. Mọi người dân dù là người gốc lâu đời hoặc người mới đến cư trú đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Văn hoá ứng xử ở làng khác với lối sống đô thị. Bà con ở đây đều có dây mơ rễ má với nhau, "trong họ, ngoài làng" nên ra đường ngõ gặp nhau đều chào hỏi ân cần, thân mật. Ai đau yếu, ai gặp tai họa, vui hay buồn, làng xóm đều hay, đều đến cùng chia sẻ, cùng giúp đỡ. Con cháu nhà ai học giỏi, thi đỗ cao, mọi người đều mừng. Cháu nào sa ngã, hư hỏng, mọi người đều quan tâm giám sát, khuyên răn. Vai trò xã hội được nâng cao. Người ta rất sợ dư luận phê phán hơn là bị kết án của toà. Mọi người hiểu biết lẫn nhau, ai tính nết thế nào, gia phong gia giáo ra sao, cuộc sống có gì khác biệt đều không qua được tai mắt dân làng, khác với đô thị nhiều khi sống chung một toà nhà mà không biết rõ về nhau.

langxa2.jpg

Lễ hội Cổ loa- Đông Anh, Hà Nội

Cộng đồng làng xã còn gắn bó  trong sản xuất, phát triển kinh tế. Ai học được kinh nghiệm gì trong chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề phụ đều trao đổi phổ biến cho nhau chứ không dấu giếm, giữ làm bí quyết cho mình. Hỗ trợ nhau làm kinh tế là nét đẹp của làng.

Họ còn đoàn kết chặt chẽ với nhau trong các công việc chung như xây dựng đường làng, trồng cây xanh, làm trường học, nhà hộ sinh, tu bổ di tích lịch sử- văn hoá, tạo nếp sống vệ sinh, lành mạnh. Mỗi kỳ làng vào đám giỗ thành hoàng làng là một lần lễ hội được đông đảo người tham gia. Bà con người làng đi xa cũng nhớ ngày tìm về hội họp và đóng góp công của cho quê cha đất tổ. Sự kỳ thị người làng ra đi làm ăn khá giả đã không còn như trước. Mối liên hệ giữa người làng ở khắp các miền đất nước được duy trì qua các hội đồng hương. Cũng không còn coi "miếng giữa làng bằng sàng xó bếp" nữa. Bởi không còn phân biệt chiếu trên, chiếu dưới; không còn phân biệt chức sắc với dân đen; tuy nhiên việc trọng thọ vẫn được coi trọng và trí thức là vốn quý của làng.

Tất nhiên trong làng- xã, nhất là nơi có tuổi trăm năm, nghìn năm, cũng để lại nhiều hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với thời đại văn minh, như mê tín dị đoan, lấy vợ gả chống sớm, đẻ nhiều, kéo bè kéo cánh trong họ lớn, khinh rẻ những người ít học, ma chay, mừng thọ, cưới xin ăn uống cả làng…

Xây dựng văn hoá làng và phấn đấu để đạt danh hiệu "Làng văn hoá" là một cuộc thi đua dẻo dai qua nhiều năm tháng, làm sao để các làng- xã ngoại thành Hà Nội phải có những tiến bộ hơn các làng xã khác trong cả nước. Bởi đó là những làng xã Thủ đô, đất ngàn năm văn hiến.

Dân Quang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *