Nghệ thuật

Văn hóa nghệ thuật Thủ đô tô đậm nét hào hoa thanh lịch của người Hà Nội

Hà Nội – Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng với những con người hào hoa, thanh lịch, văn minh là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều tác phẩm nghệ thuật, góp phần tô đậm thêm cho bản sắc văn hóa của con người và vùng đất Thăng Long- Đông đô – Hà Nội.

 

Vở kịch ‘”Trái tim người Hà Nội ” – Nhà hát Kịch Hà Nội

Dấu ấn những tác phẩm về đề tài Hà Nội

Nhà hát Kịch Hà Nội luôn ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ khán giả Thủ đô bởi “chất Hà Nội” rất riêng. Những năm qua, Nhà hát đã ra mắt nhiều tác phẩm sân khấu hấp phản ánh cuộc sống, con người Hà Nội trong sinh hoạt, lao động, học tập và cả trong chiến đấu chống ngoại xâm.

Năm 2014, Nhà hát dàn dựng vở kịch nói “Những người con Hà Nội” khắc họa sự kiên cường, bất khuất của những người con Hà Nội trong cuộc chiến chống thực dân Pháp bảo vệ Thủ đô vào những ngày mùa đông năm 1946. Vở kịch còn khắc họa nét hào hoa của người Hà Nội trong cuộc chiến. Họ biến chiến lũy thành lũy hoa khi mang tới nơi giao tranh ác liệt những bông hoa đẹp của làng Ngọc Hà. Và trong ngày Tết, trên chiến lũy bảo vệ Thủ đô cũng không thiếu được bánh chưng, ô mai Hàng Đào, bánh cốm Hàng Than… Đặc biệt hơn, ở nơi ngày đêm không ngớt tiếng súng đạn ấy, người Hà Nội vẫn giữ được tâm hồn lãng mạn, hào hoa với những thói quen tao nhã như nghe nhạc, thưởng hoa…

Vở “Những người con Hà Nội” – Nhà hát Kịch Hà Nội

Vẫn là cuộc sống của người Hà Nội trong chiến tranh, năm 2018, Nhà hát Kịch Hà Nội ra mắt vở diễn “Ngôi nhà trong thành phố” lấy bối cảnh Hà Nội những năm tháng kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Tại ngôi nhà nhỏ trong lòng Hà Nội, có một người mẹ lại chuẩn bị tiễn chân cậu con trai cuối cùng trong số ba người con trai của bà ra mặt trận khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, phá hoại Hà Nội… Vở diễn như một bài thơ nhẹ nhàng, lãng mạn về những con người Hà Nội, dù bom đạn khốc liệt có thể tàn phá nhà cửa, có thể cướp đi sinh mạng con người bất cứ lúc nào, nhưng người Hà Nội vẫn sống lạc quan, kiên cường và lịch lãm. Đúng như nhà văn Nguyễn Tuân đã viết trong tuỳ bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” rằng: “Hà Nội nổ súng, nhưng Hà Nội vẫn nở hoa, hoa nở ngay nách hầm.”

Gần đây nhất, vở “Trái tim người Hà Nội” của Nhà hát Kịch Hà Nội cũng để lại nhiều ấn tượng cho khán giả với những đêm diễn chật kín khán phòng. Tác phẩm kể về những người con Hà Nội đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để sống, chiến đấu, bảo vệ đất nước và sau chiến tranh, họ trở về với nhiều hy sinh, mất mát … Một vở diễn về chiến tranh nhưng vẫn đầy lãng mạn và nhân văn. Giữa khốc liệt của bom đạn, những người con Hà Nội hiện lên thanh lịch, kiêu hãnh, nhiệt huyết và tràn ngập tình yêu quê hương, đất nước.

Là một đơn vị nghệ thuật truyền thống của Thủ đô, nhiều năm qua, Nhà hát Chèo Hà Nội cũng có một số vở diễn hiện đại về Hà Nội. Đó là vở chèo “Cánh chim trắng trong đêm” ra mắt năm 2014 và “Người hát ả đào” ra mắt năm 2024 trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Nếu như “Cánh chim trắng trong đêm” xoay quanh mối tình của một ca nương nổi tiếng giáo phường Thăng Long một chiến sĩ cách mạng… thì “Người hát ả đào” ca ngợi những con người bình dị, lặng thầm, một lòng ủng hộ Việt Minh. Đó là những cô đào hát phố Khâm Thiên, những cô gái làng hoa Ngọc Hà, những công nhân, nghệ sĩ, trí thức… Họ là những tấm gương của những con người bình dị không chịu kiếp sống nô lệ, quyết đứng lên sống chết vì Hà Nội thân yêu.

Vở chèo “Người hát ả đào” – Nhà hát Chèo Hà Nội

Hát xẩm, loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc gắn liền với Thăng Long – Hà Nội

Với lịch sử phát triển hàng nghìn năm, Thăng Long – Hà Nội hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam như hát chèo, ca trù, chầu văn…. Đặc biệt, Thăng Long – Hà Nội chính là nơi đã nuôi dưỡng và phát triển hát xẩm, đưa loại hình nghệ thuật này trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Hà Nội.

Ngày nay, nghệ thuật hát xẩm vẫn giữ được vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Các chương trình biểu diễn hát xẩm vẫn được tổ chức tại nhiều địa phương, các câu lạc bộ hát xẩm gắn tên với Hà Nội như: Xẩm Hà Thành, Xẩm Tầu Điện, Thăng Long Xẩm, Xẩm 36 phố phường, Xẩm Hà Nội… vẫn đang được duy trì hoạt động. Những làn điệu xẩm Chợ, xẩm Riềm Huê, xẩm Thập Ân, xẩm Ba Bậc, hò Bốn mùa, đặc biệt là làn điệu xẩm Tầu Điện (gắn với tầu điện rất đặc trưng của đất Hà Thành vào thế kỷ trước); các bài hát xẩm được sáng tác dựa trên những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thăng Long – Hà Nội và miêu tả cuộc sống của người dân Thủ đô qua nhiều thế kỷ như: “Hà Thành ba mươi sáu phố phường”, “Vui nhất Hà Thành”, “Chênh bông”, “Chợ Đồng Xuân”, “Cô hàng nước”,” “Xẩm chợ”, “Dạo chơi Long Thành”… vẫn được nhiều khán giả yêu thích đón nhận.

Cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, hát xẩm đã và đang lưu giữ lại giá trị văn hóa và lịch sử trong dòng chảy nghệ thuật Thủ đô.

CLB Xẩm Hà Thành – Ảnh: Internet

Văn hóa nghệ thuật Thủ đô góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh

Không chỉ đơn thuần là hình thức giải trí, văn hóa nghệ thuật còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đạo đức, nhân cách con người. Xác định rõ điều đó, những năm qua, văn hóa nghệ thuật Thủ đô đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và cho ra đời các tác phẩm nhằm khơi dậy vẻ đẹp thanh lịch, văn minh người Hà Nội. Từ các triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội, mỹ thuật Hà Nội đến các Liên hoan sân khấu Thủ đô, các cuộc thi âm nhạc được Hà Nội tổ chức đều dành một phần cho các tác phẩm về chủ đề cuộc sống, con người Hà Nội.

Năm 2024, kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức thành công cuộc thi sáng tác ca khúc “Thanh âm Hà Nội” và tổ chức tuyển chọn phát hành tuyển tập ca khúc mang chủ đề cuộc thi. 70 ca khúc được lựa chọn và phát hành có nội dung phản ánh có nội dung ca ngợi người Hà Nội với phẩm chất hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, được chắt lọc, kết tinh trong quá trình hình thành và phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến…

Với những gì đã và đang làm được trong thời gian qua, tin rằng văn hóa nghệ thuật Thủ đô sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng việc nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân Thủ đô, đồng thời lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội hôm nay và mai sau.

Hồng Trâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *