Di sản

VĂN HOÁ TÂM LINH

​Người đời thường tin có một "thế giới bên kia" nơi cư trú của các vị thần thánh, các vị phật và các linh hồn người đã chết. Cái thế giới âm ấy có cả phần ở trên trời gọi là "thiên đàng" cho những người lúc sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, làm ăn ngay thật, có tâm cứu giúp người. Còn phần sâu dưới đất là "âm ty" có các loài quỷ dữ và nhà ngục giam giữ, tra tấn những kẻ độc ác, lòng lang dạ thú, bất nghĩa, loạn luân, gian lận.

Câu nói cửa miệng: Dương sao Âm vậy là thế. Mỗi khi gặp sự trắc trở, hoặc công việc đại sự trong nhà, người ta làm làm lễ thổ công, thổ địa, cúng gia tiên, ra đình làng lễ thành hoàng, lên chùa cầu Phật để phủ hộ độ trì cho tai qua nạn khỏi, cho việc lớn thành công, đạt nguyện vọng sở cầu.

Niềm tin vào lực lượng vô hình ấy tạo thành văn hoá tâm linh. Tâm linh giúp cho con người sống tốt, làm việc thiện, tránh điều ác để mai sau lúc chết đi được lên thiên đàng chứ không phải sa địa ngục.

tinnguong1.png

Tín ngưỡng thờ đức tổ Hùng Vương là điểm hội tụ của tinh thần đoàn kết dân tộc  ảnh: Phương Thanh.

Tâm linh cũng làm cho con người biết nhớ đến tiên tổ, nhớ ơn các anh hùng hào kiệt, danh nhân có công với nước được nhân dân lập đền thờ phụng, tôn làm thành hoàng, làm đẹp thêm truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Nhưng mặt trái của tâm linh cũng gây tác hại cho xã hội, làm cho con người quá mê tín đến mông muội, tưởng như tất cả đều do "trời, phật" định đoạt, không còn tin vào mình, vào sức mạnh ý chí của con người. Động có việc gì là xem bói, xin thẻ, xin âm dương, gọi hồn… Nghe lời thầy tướng số, thầy cúng làm lễ dâng sao giải hạn, đốt mã "hình nhân thế mạng", tạ mộ, cầu siêu.

Người đi buôn đầu năm lên đền Bà Chúa Kho "vay vốn", cuối năm đi trả lễ tạ. Học sinh đi thi rủ nhau lên đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn cầu thần phù hộ cho thi đỗ. Trai gái yêu nhau đi so đôi tuổi xem có hợp nhau, có làm vợ chồng trọn đời không. Lại có cô dâu cho là cao số, phải hai đời chồng nên ngày cưới phải đón dâu hai lần tránh hậu họa về sau. Cũng vì vậy mà dẫn đến có đôi phải chia tay nhau vì những lời phán không có căn cứ chắc chắn. Nhà có người chết phải tìm thầy xem cho giờ nào nhập quan, giờ nào đưa đám, giờ nào hạ huyệt. Ở thành phố do Công ty nghĩa trang phục vụ phải xếp hàng chờ đến lượt làm lễ tang, do phải theo giờ của thày bói mà sinh ra bao nhiêu phiền phức. Lại còn sợ trùng!  Có một ngôi chùa gọi là Hàm Long là xứ Bắc có tục giam các con trùng lại để khỏi làm hại con cháu! Vì mê tín mà con cháu đem nhốt ông bà, cha mẹ vào chùa, hỏi còn chữ hiếu hay không? Một suy nghĩ giản đơn là cha mẹ ông bà sao lại hại con cháu nhà mình thế mà vẫn còn nhiều người tin. Trong khi chôn cất còn phải làm bùa yểm, rắc vàng, cầu kinh cho vong hồn siêu thoát không ám ảnh người trần.

Quan niệm "sống về mồ về mả" cũng dẫn đến việc đầu tư quá mức để xây mộ. Nhà người sống còn chưa lành lặn, khang trang lại dốc tiền xây "lâu đài" cho người chết!

Việc thờ cúng còn phức tạp hơn, ở nhà, thờ thổ công và gia tiên là đủ. Nhưng có người lại bày vẽ ra một cái khám nhỏ đặt dưới đất thờ thần tài. Quán hàng ở chợ cũng có bát hương, vì thế đã xảy ra những vụ cháy lớn. Trong cơ quan Nhà nước cũng lập ban thờ trên nóc tủ hồ sơ, nóc tủ lạnh, ngày nào cũng có hoa quả và nghi ngút khói hương. Chẳng rõ thờ ai và vì sao phải thờ. Các đền, chùa cũng vậy. Chùa vốn chỉ thờ Phật, nay chùa nào cũng có thêm điện mẫu, đền thờ thánh cũng thêm ban tứ phủ công đồng, tam toà thánh Mẫu. Bởi có thờ Mẫu mới nhiều lộc, làm hỗn độn cả việc thờ cúng. Việc xóc thẻ, viết sớ, đốt vàng mã, thắp hương khói mờ mịt vẫn còn phổ biến ở hầu hết các chùa, đền.

tinnguong2.jpg

                             Mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên ngày tết

Người Hà Nội hãy xây dựng cho mình nếp sống văn hoá tâm linh lành mạnh, trong sáng. Lễ bái bằng tâm thành, không cầu cạnh vụ lợi, không mê tín dị đoan, không a dua đua đòi… để xứng đáng là người Thủ đô văn minh, thanh lịch.

Hữu Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *