Chiều 15/12, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã phối hợp với Nhóm Đình làng Việt tổ chức khai mạc Triển lãm Lung linh sao Khuê tại Nhà Thái học.
Thông qua Triển lãm, Ban tổ chức mong muốn mang đến cho du khách thấy được vẻ đẹp của Văn Miếu – Quốc Tử Giám về đêm, điều mà ít khi họ được chiêm ngưỡng. Không gian cổ kính và thiêng liêng Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, giờ đây không chỉ là di sản đáng tự hào của Việt Nam mà còn là di sản của nhân loại từ năm 2010.
Nơi đây lưu giữ 82 tấm bia đề danh Tiến sĩ, được Chính phủ vinh danh là Bảo vật quốc gia năm 2015. Bia đề danh Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám xứng đáng là những kiệt tác của Văn – Sử – Mỹ bất phân.
Nơi cũng đây đã ghi lại những dòng văn bất hủ của Thân Nhân Trung, những trang sử vàng về hệ thống khoa cử của hai triều đại Lê và Mạc. Và đặc biệt thêm nữa, du khách có thể ngắm nhìn, thưởng lãm vẻ đẹp chạm khắc tài hoa và thâm thúy của người xưa. Từ lâu, bia Đề danh Tiến sĩ ở Văn Miếu Thăng Long đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu Mỹ thuật.
So với vẻ đẹp hoành tráng của Khuê Văn Các, những tấm bia ở đây mang vẻ đẹp kín đáo, thâm trầm hơn; một vẻ đẹp đầy kiêu hãnh nhưng phải chịu nhiều đau thương mất mát của nhiều lần can qua, dâu bể suốt 500 năm nay. Rất nhiều tấm bia bị mài mòn, sứt mẻ, gây vỡ, xáo trộn nên mọi người rất khó cảm nhận được vẻ đẹp của pho sử đá này.
Ông Trương Minh Tiến – Phó GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: “Với gần 50 bức ảnh được bình chú kỹ lưỡng, Triển lãm Lung linh Sao Khuê sẽ giúp công chúng hiểu và yêu mến nhiều lần hơn nữa với Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây cũng là lần đầu tiên, một vẻ đẹp tĩnh lặng, thâm trầm đầy trí tuệ của không gian thiêng vườn bia Tiến sĩ, giếng Thiên Quang, Khuê Văn Các được phát lộ. Sau hàng trăm năm ẩn mình trong đá, những bông hoa, ngọn cỏ, chim chóc muông thú bỗng hồi sinh trong ánh sáng nhiệm màu, để đến với người xem trong một không gian ấm cúng”.
TS Trần Hậu Yên Thế, người đã viết lời bình cho 47 bức ảnh trưng bày trong Triển lãm cho biết: “Triển lãm được mang tên “Lung linh sao Khuê” bởi có một điều kỳ lạ, chỉ khi về đêm, sử dụng ánh sáng hắt vào thì ta mới thấy hết được vẻ đẹp của những tấm bia cùng những hoa văn trên bia được phát lộ… Và khi nói về kỹ thuật khắc bia đá, thì đó là một quá trình rất dài, chuyển đổi từ chạm khắc phảng phất thời Lý Trần, chạm trên bề mặt đá và hoa văn được khắc sâu, đến sau này chạm khắc nổi theo khuynh hướng bắt đầu tả thực… Những hoa văn này, đặc biệt là hoa điểu có thể phát triển trên đồ lưu niệm ở Văn Miếu, đó là tiềm năng rộng mở cho những giá trị di sản của cha ông được chuyển thành các sản phẩm vật chất trong nền công nghiệp văn hóa…”.
Triển lãm “Lung linh sao Khuê” mong muốn giới thiệu đến công chúng những tinh hoa nhuần nhị, hương sắc thâm trầm, trí tuệ của không gian thiêng Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Tô Nga
Theo MaskOnline