Làng quê Bắc bộ vốn được biết đến là cái nôi của chèo, còn tuồng cổ có khởi nguồn từ miền Trung, ấy vậy mà giữa đất Bắc, có một vùng quê lưu giữ nghệ thuật tuồng từ nửa thế kỷ nay, đó là thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai. Câu lạc […]
Làng quê Bắc bộ vốn được biết đến là cái nôi của chèo, còn tuồng cổ có khởi nguồn từ miền Trung, ấy vậy mà giữa đất Bắc, có một vùng quê lưu giữ nghệ thuật tuồng từ nửa thế kỷ nay, đó là thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai. Câu lạc bộ Tuồng Dương Cốc hình thành bởi những người nông dân một nắng hai sương say đắm các làn điệu, tích tuồng và từ nhiều năm nay là nơi giữ lửa bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc.
Một buổi biểu diễn của CLB tại Lễ đón nhận danh hiệu làng Văn hóa lần thứ 2 làng Dương Cốc
Thôn Dương Cốc xã Đồng Quang thường được gọi là làng Dương. Nơi đây vốn là một miền quê thuần nông vùng chiêm trũng. Những người nông dân làng Dương tay cấy, tay cày quanh năm, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng luôn có niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng. Người làng Dương yêu ca hát, từ những bài quan họ, điệu chèo cho đến cải lương… Năm 1967, đoàn Tuồng Liên khu V (nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn – Bình Định) về làng sơ tán trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Trong suốt 8 năm gắn bó với mảnh đất Dương Cốc, những nghệ sĩ chuyên nghiệp của đoàn đã chỉ dạy, hướng dẫn người dân hát tuồng. Người làng Dương đã bén duyên với tuồng từ đó. Dần dà, người trong làng lập nên đội Tuồng Dương Cốc đi biểu diễn phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện. Những điệu tuồng cổ đã thấm sâu vào máu thịt người Dương Cốc, không những là niềm đam mê mà còn là nét đẹp văn hóa mà người dân nơi đây trân trọng, gìn giữ và phát triển.
Năm 2003, đội Tuồng Dương Cốc đổi tên thành Câu lạc bộ Tuồng Dương Cốc. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, những thành viên của đội Tuồng cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, lấy tiếng hát át tiếng bom, đưa tuồng đi khắp các thôn, xã. Ngày nay, thế hệ kế cận trong Câu lạc bộ Tuồng Dương Cốc vẫn tiếp tục niềm đam mê nghệ thuật tuồng được truyền lửa từ những người đi trước. Những “lão nông tri điền” ban ngày bận bịu với công việc đồng áng, nhưng tối đến, khi bước lên sân khấu đình làng, họ trở thành những người nghệ sĩ, diễn viên tuồng thực thụ, hết mình với vai diễn. Câu lạc bộ chủ yếu hát tuồng cổ, tuồng lịch sử, tuồng Nam. Sân khấu của những “nghệ sĩ làng” khi thì ở đình, cũng có khi ở trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp của thôn. Câu lạc bộ hiện có 25 thành viên gồm các diễn viên và nhạc công. Thành viên cao tuổi nhất ngoài 80, người ít nhất cũng đã hơn 50. Chủ nhiệm Câu lạc bộ là ông Nguyễn Văn Lý, người có biệt danh “Lý tuồng”, một trong những “cây đa, cây đề” của nghệ thuật tuồng Dương Cốc. Có những gia đình ba thế hệ đều theo đuổi nghiệp tuồng như gia đình ông Nguyễn Hữu Thiết, ông Nguyễn Ngọc Bỉnh… Tuồng đã se duyên cho đôi vợ chồng nghệ sĩ Huy Thường và Bích Hảo. Hơn 40 năm tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ cũng là từng ấy năm hai ông bà gắn bó bên nhau.
Đến nay, Câu lạc bộ Tuồng Dương Cốc đã sưu tầm, dàn dựng được 42 vở tuồng, bao gồm tuồng lịch sử như các vở “Trưng nữ vương”,“Trần Bình Trọng”, tuồng hiện đại với các vở “Tình cá nước”, “Cô dân quân trên vùng kinh tế”… Hơn 200 giải vàng giành được tại các liên hoan sân khấu và hội diễn cùng 13 kỉ niệm chương do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao tặng là niềm tự hào của các thành viên Câu lạc bộ. Năm 2006, trong Liên hoan sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc tại chính đất tuồng Bình Định, Câu lạc bộ Tuồng Dương Cốc đã giành được 4 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc toàn đoàn. Năm 2014, tại Liên hoan sân khấu truyền thống Thành phố Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô, Câu lạc bộ đã giành được giải A. Tại “Liên hoan Tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ” tại Đà Nẵng năm 2015, Câu lạc bộ Tuồng Dương Cốc đã giành 3 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc cá nhân cho các diễn viên trong vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”. Đặc biệt, Câu lạc bộ đã vinh dự được UBND Thành phố Đà Nẵng và Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng bằng khen. Đầu năm 2016, các nghệ sĩ Câu lạc bộ Tuồng Dương Cốc đã tham gia trình diễn tuồng cổ trong chương trình “Hành trình Di sản – Non nước chùa Thầy” do huyện Quốc Oai phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam ghi hình và phát sóng trên kênh VTV1.
Tuồng đến với mảnh đất Dương Cốc như một nhân duyên. Đã từ lâu, những người nông dân chất phác nơi làng Dương coi tuồng là một điều không thể thiếu trong cuộc sống. Người Dương Cốc ngày nay vẫn đang bền bỉ gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng dân gian.
Các nghệ sĩ CLB Tuồng Dương Cốc trình diễn trích đoạn “Trần Bình Trọng” trong chương trình “Hành trình Di sản – Non nước chùa Thầy” năm 2016
Thu Trang